Các chuyên gia cảnh báo, việc hầu hết mọi người đang rửa tay sai cách đã khiến xà phòng diệt khuẩn trở nên vô tác dụng.


{keywords}
Xà phòng diệt khuẩn trở thành vô tác dụng do đa phần mọi người không sử dụng nó đúng cách. Ảnh: Corbis

Theo tiến sĩ Rolf Halden đến từ Trung tâm an toàn môi trường thuộc Đại học Arizona (Mỹ), xà phòng diệt khuẩn rất hữu ích ở các bệnh viện, nơi mọi người thường biết cách sử dụng chúng. Tuy nhiên, sản phẩm tẩy rửa ngày càng phổ biến này thường vô tác dụng ở các hộ gia đình, chủ yếu do chúng ta không rửa tay đủ lâu.

Chuyên gia Halden cho biết, để tiêu diệt các vi khuẩn, mọi người cần rửa tay với xà phòng diệt khuẩn trong 20 - 30 giây. Dẫu vậy, đa phần chúng ta chỉ thực hiện điều đó trong trung bình 6 giây. Do đó, xà phòng diệt khuẩn sẽ không hiệu quả hơn các loại xà phòng khác.

Ông Halden nói thêm rằng, các vi sinh vật có thể biến đổi để thích nghi với những thành phần diệt khuẩn trong xà phòng. Điều này rốt cuộc có thể làm gia tăng khả năng đề kháng của mầm bệnh trước kháng sinh, gây khó khăn cho các bác sĩ điệu trị những căn bệnh nhiễm trùng.

Tiến sĩ Halden cũng khuyến cáo, kết quả một số nghiên cứu gần đây hé lộ, các hóa chất trong xà phòng diệt khuẩn có thể ảnh hưởng tới lượng hoóc môn trong cơ thể chúng ta.

Quy trình rửa tay thường quy bằng xà phòng diệt khuẩn đúng cách. 

Trong 20 năm trở lại đây, số các sản phẩm chứa 2 hóa chất kháng khuẩn triclosan và triclocarban, tăng đột biến. Do đó, khoảng 3/4 người dân Mỹ hiện có những hóa chất này trong nước tiểu của họ.

Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) hiện đã bắt đầu quá trình chỉnh đốn việc sử dụng các sản phẩm diệt khuẩn. Cơ quan này tuyên bố sẽ yêu cầu thu hồi tất cả sản phẩm, trừ khi các hãng sản xuất có thể chứng minh được chúng vừa hiệu quả, vừa an toàn cho người sử dụng.

"Động thái của FDA là một bước khôn ngoan và cần thiết nhằm bảo vệ tính hiệu quả của các kháng sinh quan trọng về mặt lâm sàng, cũng như kiểm soát việc phát thải và tích tụ các chất diệt khuẩn trong môi trường", tiến sĩ Halden nhấn mạnh.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail. Live Science)