2 triệu người dùng sau 4 tháng ở Myanmar

VNG bắt đầu đưa sản phẩm Zalo ra nước ngoài, cụ thể là Myanmar từ tháng 6/2016 sau khoảng 5 tháng tìm hiểu về hành vi người dùng và nghiên cứu về hạ tầng. Đến tháng 10/2016, sản phẩm Zalo đã công bố có khoảng 2 triệu người dùng, trong đó nhiều nghệ sĩ lớn của Myanmar như Nay Toe, Tun Tun, Thun Set cũng đang là thành viên tích cực của ứng dụng này. Như vậy, để có được 2 triệu thành viên đầu tiên ở nước ngoài, Zalo đã mất khoảng 4 tháng. Đây là khoảng thời gian rất đáng kể, khi mà Zalo phải mất khoảng 6 tháng để có con số tương tự ở thị trưởng Việt Nam, từ tháng 12/2012 đến tháng 5/2013.

“Cột mốc 2 triệu ở thị trường quốc tế là con số còn quá khiêm tốn nhưng là động lực để chúng tôi tiếp tục theo đuổi khát vọng của mình”, ông Vương Quang Khải, Phó Tổng giám đốc VNG, chia sẻ về cột mốc 2 triệu thành viên ở Myanmar.

Ngoài ra, khi sang Myanmar dự sự kiện công bố 2 triệu thành viên của Zalo, ông Khải cho rằng niềm vui lớn nhất khi đến Yangon (Myanmar) bật tính năng "tìm quanh đây" và thấy có rất nhiều người bản xứ dùng Zalo trong phạm vi vài trăm mét đổ lại, khác hẳn với cảnh "đìu hiu" 6 tháng trước đó.

Trả lời truyền thông địa phương, ông Khải cho biết Zalo tại Myanmar sẽ cập nhật các tính năng cốt lõi gần như song song với Việt Nam, vì cả hai thị trường có nhiều nét tương đồng. Phiên bản dành cho Android ở Việt Nam đã có video call, và Zalo ở Myanmar sẽ sớm có tính năng này trong tháng tới. Tuy nhiên, tại Myanmar, Zalo bước đầu sẽ chỉ tập trung vào tin nhắn tức thời, chưa có các dịch vụ gia tăng như ở Việt Nam.

Việc các ứng dụng Việt Nam xuất ngoại không phải là một chuyện bây giờ mới có mà đã có rất nhiều công ty đi trước Zalo từ những đơn vị lớn như Viettel, FPT, VTC… cho đến những công ty khởi nghiệp như Appota, eWay, Topica…  Thậm chí, năm 2011, VNG đã từng ký kết hợp tác chiến lược với công ty DeNA để xuất khẩu game mạng xã hội Ủn Ỉn của mình sang thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu xét riêng trong khu vực Đông Nam Á, những thị trường thường được các công ty Việt Nam lựa chọn đầu tiên sẽ bao gồm Singapore, Indonesia, Thái Lan, Campuchia…  

Myanmar là điểm đến đầu tiên vì có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam

Trao đổi với phóng viên ICTnews, ông Khải cho biết, Myanmar là một thị trường có khá nhiểu điểm tương đồng với Việt Nam lúc Zalo ra mắt vào cuối năm 2012 khi mà công nghệ phát triển nhưng hạ tầng lại chưa thay đổi kịp để đáp ứng nhu cầu, kết nối Internet còn khá yếu và điện thoại smartphone phổ biến là các dòng máy chạy giá rẻ. Bên cạnh đó, cũng như Việt Nam, Myanmar là một quốc gia đang trong quá trình phát triển và tăng trưởng nhanh chóng hệ thống mạng 3G. “Vì thế, Zalo mong muốn sẽ là một phần trong cuộc cách mạng viễn thông ở Myanmar”, ông Khải cho biết thêm.

Ngoài ra, khoảng cách Myanmar cũng khá gần so với Việt Nam khi chỉ mất khoảng 2 giờ máy bay và chênh lệch múi giờ 30 phút nên việc phối hợp giữa nhóm Zalo ở Việt Nam và Myanmar rất thuận lợi. Đó là lý do tại sao Zalo lại chọn Myanmar, một quốc gia đủ gần và thân thiện với người Việt Nam.

Một lý do khiến Zalo chọn thị trường Myanmar là điểm xuất ngoại đầu tiên thay vì Singapore, Thái Lan là vì thị trường này đang phát triển nên có nhiều điểm giống với Việt Nam, còn ở các nước đã phát triển thì hạ tầng, mạng lưới đều đã ổn định cũng như các đối thủ lớn như Wechat, Line, Kakao Talk đều đã đi trước và sẽ không nhiều “đất dụng võ” cho Zalo.  “Về việc Zalo không chọn Lào hay Campuchia vì với 52 triệu dân, Myanmar là một thị trường đủ lớn và nếu phát triển tốt ở thị trường này thì số lượng người dùng sẽ tương đương với Việt Nam”, ông Khải nhấn mạnh.

Đối với mục tiêu trong thời gian tới, do Zalo không phải công ty bản địa nên sẽ phải liên tục khảo sát thị trường xem người dùng di động ở Myanmar thích và quan tâm những gì để tinh chỉnh lại sản phẩm để đáp ứng nhu cầu.  “Mục tiêu lâu dài của Zalo là chiếm khoảng 50% số lượng người dùng Internet di động ở Myanmar, tương đương khoảng từ 9-10 triệu người dùng (hiện Myanmar đang có khoảng 18 triệu người dùng Internet di động-pv)”, ông Khải khẳng định. 

Tuy nhiên, ông Khải cho biết, Zalo sẽ không đặt văn phòng đại diện tại Myanmar vì Zalo là một sản phẩm trực tuyến nên có thể quản lý và vận hành từ xa như cách mà Facebook, Google… đang thực hiện ở Việt Nam.

Không chỉ Zalo, nhiều đơn vị  ở Việt Nam cũng coi Myanmar là một thị trường tiềm năng nhưng còn là một ẩn số khi mà đất nước này mới chuyển sang chế độ dân chủ chưa lâu. Tháng 4/2016, Viettel vừa công bố thông tin đầu tư vào thị trường Myanmar với số vốn dự kiến lên tới 1,5 tỷ USD mục tiêu sẽ đạt độ phủ tới gần 95% dân số trong vòng 3 năm, sau khi đơn vị này đã trúng thầu tham gia liên doanh để hình thành nhà mạng di động thứ 4 tại Myanmar với tên Mytel. Tháng 7/2015, FPT cũng đã nhận được giấy phép của Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Myanmar cho phép FPT xây dựng cơ sở hạ tầng mạng lưới trên toàn quốc, cung cấp viễn thông và Internet cố định cũng như các dịch vụ giá trị gia tăng. Dự kiến, ban đầu FPT sẽ làm cáp quang, cung cấp băng thông rộng tới các thành phố lớn bởi hạng mục này phía Myanmar đã có luật hướng dẫn. Sau đó là một loạt dịch vụ gia tăng khác như truyền hình Internet (IPTV), game online, báo điện tử... Theo nguồn tin của ICTnews thì hiện FPT Telecom cũng đang thực hiện những bước đi ban đầu trong việc cung cấp dịch vụ viễn thông tại Myanmar. Bên cạnh FPT và Viettel, một số doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam cũng đang trong quá trình tìm hiểu thị trường ở Myanmar.

Theo công bố của chính phủ Myanmar trong thư chào thầu Tập đoàn Viettel, hiện tại tỷ lệ sử dụng smartphone tại đất nước này đã đạt trên 60%. Với tốc độ phát triển kinh tế tốt, tăng trưởng GDP trên 8% hàng năm, Myanmar sẽ có tốc độ phát triển về data tương ứng, đặc biệt có tới 80% người dân lựa chọn điện thoại thông minh khi mua máy.