Ở Dung Quất có sự đổi thay kỳ diệu khi NMLD đi vào vận hành, đó là sự thay da đổi thịt của một vùng quê nghèo, là sự đổi mới tư duy kinh tế của chính quyền và nhân dân địa phương. Và còn nhiều điều thú vị trên quê hương hóa dầu này.

Sự đổi thay kỳ diệu

Quảng Ngãi trước năm 2000 luôn nằm trong danh sách những tỉnh nghèo của cả nước, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh không vượt quá ngưỡng 500 tỷ đồng, nông nghiệp được xem là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh.


Khu nhà ở khang trang tiện nghi ở đô thị mới Vạn Tường

Sau khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động, mảnh đất miền Trung này đã “thay da đổi thịt” từng ngày. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt lớn cho sự nghiệp phát triển của Quảng Ngãi.

Tính đến giữa tháng 12/2010, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã chế biến gần 7 triệu tấn sản phẩm, xuất bán khoảng hơn 6,8 triệu tấn xăng, dầu các loại.

Nếu năm 2004, thu ngân sách của tỉnh Quãng Ngãi chỉ là 376 tỷ đồng thì đến hết năm 2008, thời điểm trước khi Nhà máy đi vào hoạt động được 1 tháng, thu ngân sách của tỉnh chỉ đạt 1.610 tỷ đồng. Cuối năm 2009, thu ngân sách của tỉnh đã đạt con số gấn hơn 6 lần năm 2008, đạt 6.432 tỷ đồng. Ngày 19/2/2009, Nhà máy lọc dầu Dung Quất chính thức đi vào hoạt động đã thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế tỉnh Quãng Ngãi. Đây cũng chính là nguyên nhân lý giải vì sao ngân sách tỉnh Quảng Ngãi có sự “đại nhảy vọt” đến thế.

Theo ông Nguyễn Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty lọc hoá dầu Bình Sơn thì năm 2010, ước doanh thu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất khoảng 53.800 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước khoảng 14.000 tỷ đồng. Dự kiến năm 2011, nhà máy đạt doanh thu lên đến 73.000 tỷ đồng.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất năm 2010 đã đóng góp ngân sách của tỉnh Quãng Ngãi 15 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 90% nguồn thu của tỉnh.

Những niềm vui mới

Nhà máy lọc dầu Dung Quất được xây dựng trên địa bàn 2 xã Bình Trị và Bình Thuận với diện tích 338 ha mặt đất và 473 ha mặt biển. Đây là công trình có quy mô lớn, phải di chuyển hàng nghìn hộ dân đến khu tái định cư mới.


Bên dưới khu nhà ở là trường mẫu giáo phục vụ chỗ học hành của con em cán bộ, công nhân viên

Từ tháng 6/1997 đến tháng 5/1998, tỉnh Quảng Ngãi đã di dời 342 hộ dân và 2.852 phần mộ ra khỏi vùng quy hoạch xây dựng nhà máy.

Khu nhà ở cho cán bộ công nhân viên nhà máy lọc dầu Dung Quất có diện tích 21,2 ha nằm trong quy hoạch Khu nhà ở có tổng diện tích 28,7 ha thuộc Khu dân cư số 1, Khu đô thị mới Vạn Tường (xã Bình Trị, Bình Hải – Bình Sơn).

Với tổng mức đầu tư hơn 280 tỷ đồng, công trình được bố trí trên đất ở đô thị (Khu kinh tế Dung Quất) với diện tích xây dựng 13.560 m2, bao gồm khu nhà chung cư năm tầng. Trong đó, khu nhà song lập hai tầng, gồm 68 nhà song lập với 36 căn hộ (mỗi căn hộ từ 70-80 m2); Khu biệt thự hai tầng, gồm 8 nhà, có tổng diện tích sàn 180m2. Toàn bộ khu nhà được thiết kế hài hòa về mỹ thuật và trang bị đồng bộ tiện nghi sinh hoạt trong gia đình. Riêng khu nhà cao tầng có trang bị hệ thống thang máy, hệ thống cấp ga đến từng căn hộ.

Ngoài ra, đường nội bộ trong khu chung cư năm tầng đã được hoàn thiện bằng bê-tông và trước các khu nhà ở cao tầng, song lập đều xây dựng vườn hoa và trồng cây xanh thoáng mát. Chỗ ở mới này đã phục vụ cho hơn 1.000 cán bộ, công nhân viên của Nhà máy lọc dầu Dung Quất có chỗ ở ổn định và yên tâm công tác.


Công nhân nhà máy được đưa đón sau tan ca.

Đi từ nhà máy đến khu tập thể của cán bộ công nhân viên dài khoảng 5km. Ông Phạm Ngọc Lâm – cán bộ truyền thông của nhà máy cho biết: “Tất cả công nhân nhà máy đều được đưa đón bằng xe buýt đầy đủ tiện nghi, đúng giờ và đảm bảo an toàn. Hiện tại hơn một nửa công nhân nhà máy lọc dầu Dung Quất đang sinh sống ở khu tập thể”.

Chị Trần Thị Hồng Thọ, 29 tuổi, cựu sinh viên trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, hiện đang làm ở Phòng kỹ thuật cho biết: “Công việc hàng ngày của tôi là Quản lý tổn thất năng lượng cho nhà máy. Tôi vào nhà máy làm việc từ năm 2007. Bên cạnh việc ở cơ quan thì việc chăm sóc gia đình cũng hết sức quan trọng”.

Khi chúng tôi vào thăm gia đình chị thì anh Sử Hồng Tài – chồng chị Thọ vừa đi làm về.  Anh Tài quê gốc ở Quy Nhơn (Bình Định), chị Thọ quê ở thành phố Đà Nẵng. 2008, anh chị cưới nhau nhưng không xin con ngay để đợi công việc ổn định một thời gian rồi mới sinh con. Trước đây, anh chị ở khu tập thể Đê bao cạnh sông Trà Khúc. Từ khi NMLD Dung Quất xây dựng khu đô thị dành cho cán bộ công nhân viên, vợ chồng Tài – Thọ mới chuyển về đây từ tháng 7/2009.


Những dãy nhà mới mọc san sát cạnh biển Bình Sơn là điều kiện sống lý tưởng - đó là sự thay da đổi thịt nhanh chóng của vùng quê nghèo.

Anh Tài cho biết ở đây điều kiện sinh hoạt rất đảm bảo, không kém gì thành phố, riêng chỉ có dịch vụ giải trí là chưa có nhiều nên lương cao nhưng ít có dịp được cùng gia đình đi mua sắm, xem phim. Riêng với chị Thọ, là một người nội trợ trong gia đình, chị cho biết một số thức ăn như rau, cá tươi rất rẻ do cạnh làng quê. Chị cũng lo lắng cho đứa con 6 tháng tuổi Sử Hồng Quân là dịch vụ y tế dù rất đảm bảo nhưng nếu các cháu có bệnh nặng vẫn phải đưa lên bệnh viện tỉnh chạy chữa.

Gia đình chị Thọ đang được hưởng những ưu đãi đặc biệt của khu đô thị mới mà NMLD Dung Quất mang lại. Đi xung quanh khu vực rộng lớn này, chúng tôi mới cảm nhận được sự thịnh vượng và phát triển về mặt an sinh xã hội của cả vùng đất Bình Sơn – Quảng Ngãi.

Vùng quê “thay da đổi thịt”

Trong những năm qua, nhà máy đã phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ổn định đời sống 1.400 hộ dân trong diện di dời để làm NMLD Dung Quất. Ðầu tư nâng cấp đường sá, trạm y tế và hạ tầng phục vụ dân sinh tại hai khu tái định cư là Gò Ðường (Bình Thanh Tây) và Ðông Hòa (Tịnh Hòa). Xây dựng đường giao thông, trụ sở thôn, trường học tại khu tái định cư phía tây sông Trà Bồng.

Ðầu tư xây dựng các khu dịch vụ, thương mại, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất nông lâm ngư nghiệp, đào tạo và giải quyết việc làm... cho các hộ dân trong diện thu hồi đất trên địa bàn khu Kinh tế Dung Quất.


Một nền công nghiệp tiên tiến đang kết hợp cùng nền nông nghiệp đang dần được hiện đại hóa - đó là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở xã Bình Trị - Bình Sơn - Quãng Ngãi.

Với gần 300 tỷ đồng mà Tập đoàn Dầu khí đã hỗ trợ thực hiện công tác an sinh xã hội, bộ mặt kinh tế - xã hội ở các địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi đã đổi thay. Các khu đô thị mới đang mọc lên, đời sống nhân dân được cải thiện, cơ bản thoát nghèo, vươn lên làm giàu bằng việc cung cấp các dịch vụ cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Ông Phạm Ngọc Thọ - chủ tịch xã Bình Trị, địa phương mà nhà máy lọc dầu Dung Quất đang tọa lạc cho biết: “Trước đây, xã chủ yếu là thuần về nông nghiệp. Nhưng từ khi nhà máy được xây dựng và đi vào hoạt động, cơ cấu kinh tế của xã đã chuyển dịch sang hướng công nghiệp – dịch vụ. Đối với ngành nông nghiệp ở xã đã xuống hàng thứ yếu, công nghiệp đang phát triển vượt bậc”.

Ông Thọ cũng cho biết thêm, nhà máy đã hỗ trợ xã xây dựng Trường mẫu giáo của xã, 24 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, mỗi nhà 10 triệu. Nhà máy còn đóng góp cho địa phương xây dựng một sân vận động để phục vụ cho bóng đá, bóng chuyền cho bà con trong xã.

Chúng tôi đi theo đường quốc lộ dẫn vào khu tập thể của cán bộ công nhân viên nhà máy thì thấy 2 bên đường hàng quán san sát, những biển hiệu dịch vụ được trưng diện đẹp mắt, thể hiện sự thay da đổi thịt ở vùng quê nghèo như xã Bình Trị. Theo lời chủ tịch xã thì những hoạt động kinh tế của người dân xã đang hướng vào thương mại dịch vụ cung cấp nhu cầu sinh hoạt của công nhân. Bà con trong xã cũng tích cực khai hoang đất để trồng rau, mở rộng chăn nuôi lợn, gà, vịt để cung cấp thực phẩm cho nhà máy và khu đô thị Vạn Tường.

Xã Bình Trị cũng cung cấp cho nhà máy hàng trăm lao động phổ thông và theo ý nguyện của chính quyền xã Bình Trị sẽ tăng số lượng công nhân trình độ tay nghề cao là con em ở xã lên hàng chục người trong những năm tới. Ông chủ tịch xã cho biết hiện tại công nhân có trình độ đại học, trên đại học là con em trong xã chỉ hơn 10 người, còn lại chủ yếu là lao động phổ thông.

  • Đức Chính (từ Dung Quất)