Tấm bia đá và câu chuyện xưa
Tháng 5/1983, UBND Thành phố Hồ Chí Minh quyết định di dời nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi trên đường Điện Biên Phủ (P. Đa Kao, Q. 1) để xây dựng công viên Lê Văn Tám.
Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi rộng 7,5 ha bao bọc bởi 4 con đường Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng, Phan Liêm và Điện Biên Phủ do người Pháp xây dựng năm 1859. Lúc mới hoàn thành, nghĩa trang được giao cho Hải quân Pháp quản lý, chôn cất các sĩ quan và binh lính người Pháp trong cuộc chiến chiếm đóng Sài Gòn.
Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi - tiền thân của công viên Lê Văn Tám (ảnh tư liệu). |
Sau khi người Pháp rút đi, nghĩa trang trở thành nơi an nghỉ của tầng lớp quý tộc. Nghĩa trang được tôn tạo, nâng cấp đẹp như một công viên trong đó có khu riêng gồm các mộ phần của người Pháp.
Sau này, khi giải tỏa nghĩa trang, nhiều ngôi mộ được bốc lên, di dời. Nhưng nhiều tấm bia không được ai đoái hoài tới. Lẫn trong đống đất đá, có một tấm bia nằm im như một định mệnh.
Tình cờ đọc một bài báo phản ánh số phận của tấm bia, ông Phạm Đăng Phùng, cháu trực hệ 9 đời của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng đã liên hệ với tác giả. Sau đó cả 2 người bắt đầu cuộc hành trình tìm lại tấm bia.
Sau khi đọc và tìm hiểu kỹ, ông Phùng xin đưa tấm bia về nơi an nghỉ của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng.
Cổng chính khu nghĩa trang (ảnh tư liệu). |
Được biết đây là tấm bia mà vua Tự Đức đã sai Phan Thanh Giản và Trương Quốc Dung soạn thảo khắc ghi công trạng của ông ngoại mình là Phạm Đăng Hưng vào năm 1857.
Sau đó, tấm bia đi cùng với tượng Phật tạc bằng gỗ mít lên thuyền vào Nam. Theo dự tính, tượng Phật được tặng cho chùa Khải Tường ở Gia Định và bia sẽ xuôi về Gò Công dựng trước lăng Phạm Đăng Hưng.
Không may, khi thuyền đến Ô Cấp (Vũng Tàu ngày nay) thì bị quân Pháp chặn lại. Viên chỉ huy Pháp là đại úy thủy quân lục chiến Barbé đã thu giữ 2 'món hàng' này và đưa về chùa Khải Tường.
Ngôi chùa là nơi ra đời của vua Minh Mạng. Tượng Phật bị vứt ở sân chùa. Tấm bia sau đó, khi Barbé tử trận được đồng đội khắc tên kèm thánh giá lên để dựng trước mộ trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi.
Sau này, tấm bia mới được chà rửa sạch sẽ rồi chuyển về Gò Công, kết thúc 123 năm dựng trước ngôi mộ của Barbé.
Riêng chùa Khải Tường - nơi đóng quân của trung đoàn Thủy quân lục chiến do đại úy Barbé chỉ huy đã bị xóa sổ vào năm 1880 và hiện nay là bảo tàng chứng tích chiến tranh (28 Võ Văn Tần, Q. 3).
Tấm bia được tìm thấy trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. |
Quan ba Pháp và nàng Hai Bến Nghé
Chúng tôi đến thăm Lăng Hoàng Gia, nơi có mộ và đền thờ Phạm Đăng Hưng ở ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng (TX Gò Công, Tiền Giang) trong những ngày đầu năm.
Theo bản sơ lược lịch sử Lăng Hoàng Gia, lăng được xây dựng năm 1826. Nơi đây có lăng mộ và đền thờ Phạm Đăng Hưng - cha thái hậu Từ Dũ (Từ Dụ), cha vợ vua Thiệu Trị, ông ngoại vua Tự Đức.
Ông Phạm Đăng Hưng sinh tại vùng đất này vào năm 1764. Ông là người ham học, văn võ song toàn. Năm 1784 ông đỗ tam trường. Sau đó được bổ nhiệm làm Lễ bộ thượng thư. Ông có 4 người con trong đó một con trai là phò mã và một con gái là hoàng hậu. Ông mất năm 1825. Năm 1849 vua Tự Đức truy phong ông là Đức Quốc Công.
Lăng Phạm Đăng Hưng, còn gọi là Lăng Hoàng Gia, bên trái là nhà bia nơi đặt tấm bia được tìm thấy sau hơn 100 năm lưu lạc. |
Lăng ông nằm trên khu đất rộng phía sau đền thờ. Trước khi đến lăng, phía bên trái có nhà bia, trong đó dựng tấm bia đã từng bị Barbé chiếm dụng. Nhìn vào bia, trên cùng là thánh giá. Dưới thánh giá có hàng chữ : 'Cigit - Barbe Capitaine Dinfanterie de Marine tue dans une emeuscade le 7 decembre 1860 ...'. (Tạm dịch: Đây là nơi an nghỉ của Barbé - Đại úy Thủy quân Lục chiến tử trận trong cuộc phục kích ngày 07.12.1860).
Toàn bộ những dòng chữ Pháp này nằm chồng lên những dòng chữ Hán. Rất may, chỉ vài dòng tiếng Pháp nên phần còn lại khá nhiều giúp cho người đọc có thể hiểu được nội dung.
Riêng về cái chết của Barbé, có giai thoại về 'Nàng Hai Bến Nghé' đến nay vẫn còn được truyền tụng. Chuyện kể rằng, nàng Hai và Trí là cặp tình nhân yêu thương nhau. Do trắc trở, nàng Hai buộc lòng phải lấy Lãnh binh Sắc làm chồng. Nhiều người ghen ghét thường mách với Sắc rằng, nàng Hai có chồng nhưng vẫn thường lui tới với Trí. Sắc gài bẫy cho 2 người gặp nhau rồi trói lại bỏ bè trôi sông.
Đền thờ Phạm Đăng Hưng. |
Trong lúc đi săn, Barbé bắt gặp con cá sấu thật to đang đuổi theo chiếc bè. Người đàn ông trên bè đã chết và người phụ nữ đang thoi thóp. Barbé đuổi cá sấu đi rồi kéo người đàn bà lên cứu chữa. Nàng tỉnh, một phụ nữ đẹp - chính là nàng Hai, làm Barbé mê mẩn đòi bắt làm vợ.
Nàng Hai đồng ý nhưng xin được về nhà thu xếp. Về nhà gặp lại Sắc, cơn ghen nổi lên, Sắc nhốt nàng Hai ở dưới hầm cho ăn xương cá với cơm hẩm. May thay, cánh quân của Trương Định ngang qua phát hiện cứu nàng. Cảm ơn cứu mạng, nàng chấp nhận làm theo yêu cầu của Trương Định.
Đêm ngày 7/12/1860, Barbé mừng rỡ khi nghe tin báo nàng Hai trở về. Vị quan ba Pháp lên ngựa chạy ra đón. Khi còn cách nàng Hai chừng 10 mét, nghĩa quân đổ ra với giáo mác đâm thẳng vào ngựa, Barbé bị hất văng xuống đất ...
Câu chuyện của nàng Hai kể ra ai cũng thương cảm. Về sau, chiến trận càng lúc càng ác liệt, đồn Kỳ Hòa thất thủ, nàng Hai không biết trôi về đâu nhưng hành động chống Pháp của nàng được người đời ghi nhận.
Ông đồ 10 năm viết thư pháp tặng người Sài Gòn
Ông đến với thư pháp đã hơn 10 năm. Năm nào cũng thế, cứ Tết đến, ông vào chùa viết thư pháp tặng bà con.
Trần Chánh Nghĩa