Ngày 27/5, UBND huyện Nam Trà My có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc tạm dừng thi công công trình dân sinh từ nguồn huy động xã hội hóa trên địa bàn.

Theo UBND huyện Nam Trà My, những năm qua, do việc chồng lấn địa giới hành chính giữa xã Trà Vinh (huyện Nam Trà My) và xã Đắk Nên (huyện Kon Plong, Kon Tum) chưa có được tiếng nói chung; khiến việc xây dựng kết cấu hạ tầng cơ bản phục vụ dân sinh như đường giao thông, điện thắp sáng, trường học,... tại khu vực thôn 3 của xã Trà Vinh không thể triển khai đầu tư từ ngân sách Nhà nước.

Đời sống người dân đang gặp nhiều khó khăn

Đến nay, toàn bộ thôn 3 (xã Trà Vinh) có 238 hộ, 1.034 khẩu (100% là dân tộc thiểu số, hộ khẩu thường trú tại Quảng Nam) gồm 7 làng, đang sinh sống và canh tác trên địa phận của xã Đăk Nên (huyện Kon Plong) theo bản đồ địa giới hành chính 364.

Vì không thuộc địa giới hành chính quản lý nên huyện Nam Trà My không thể đầu tư ngân sách xây dựng hạ tầng dân sinh. Huyện Kon Plong cũng không thể đầu tư hạ tầng vì đối tượng thụ hưởng là người dân không thuộc hộ khẩu Kon Tum.

UBND huyện Nam Trà My cho hay, điều này làm đời sống người dân nơi đây đang gặp rất nhiều khó khăn; việc đi lại, giao thương hàng hóa bị ách tắc; sinh hoạt hàng ngày không đảm bảo; việc học tập của trẻ em bị gián đoạn, không đảm bảo an toàn khi điểm dạy và học tạm bợ, xuống cấp,…

W-Anh 9999.jpg
Một cây cầu treo dân sinh tại thôn 3 (xã Trà Vinh) bị xuống cấp nặng. Ảnh: CTV

Thực hiện chủ trương xã hội hóa trong công tác giáo dục và xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ dân sinh, đầu năm 2024, UBND xã Trà Vinh đã kêu gọi các nhà tài trợ xóa điểm trường tạm, làm cầu treo qua sông suối nhỏ,...

Nhờ vậy, đã kết nối được với với 2 mạnh thường quân tài trợ xây dựng mới Điểm trường Tiểu học với khoản kinh phí 700 triệu đồng và Cầu treo dân sinh nước Tối, tại thôn 3a, xã Trà Vinh, với kinh phí 60 triệu đồng.

Cũng theo UBND huyện Nam Trà My, việc xây trường học và làm cầu treo từ nguồn xã hội hóa được thực hiện trên địa điểm cũ, sẵn có nên không gây không tác động đến môi trường sinh thái hoặc rừng tự nhiên,...

Khi triển khai xây dựng các công trình phục vụ dân sinh từ nguồn xã hội hóa được người dân thôn 3 (xã Trà Vinh) đồng tình ủng hộ và tham gia đóng góp ngày công gùi, cõng vật liệu, san lấp mặt bằng... để hoàn thiện đưa vào sử dụng trước mùa mưa lũ về. 

Giải quyết vấn đề chồng lấn địa giới hành chính?

Tuy nhiên, vừa qua, UBND xã Đắk Nên (huyện Kon Plong, Kon Tum) đã lập biên bản buộc tạm dừng thi công Cầu treo dân sinh nước Tối và Điểm trường Tiểu học thôn 3; Đồng thời có văn bản yêu cầu phối hợp dừng thi công các công trình trên địa bàn xã Đắk Nên quản lý.

W-Anh 22333.jpg
Chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng nên việc đi lại của người dân tại khu vực chồng lấn địa giới giữa Quảng Nam và Kon Tum gặp nhiều khó khăn. Ảnh: CTV

UBND huyện Nam Trà My cho rằng, giải quyết vấn đề chồng lấn địa giới hành chính là việc của cấp ủy Đảng và chính quyền của 2 địa phương, nhưng cuộc sống người dân cần phải được đảm bảo những yêu cầu tối thiểu nhất. Do ngân sách Nhà nước không thể đầu tư nên nguồn vận động xã hội hóa để xây dựng kết cấu hạ tầng cơ bản phục vụ dân sinh là việc cần thiết và cần nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của chính quyền.

Trước yêu cầu của UBND xã Đắk Nên về việc tạm dừng thi công 2 công trình trên và để đảm bảo an ninh vùng giáp ranh, UBND huyện Nam Trà My đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam có văn bản đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo chính quyền huyện Kon Plong và UBND xã Đắk Nên tạo điều kiện thuận lợi để các công trình phục vụ dân sinh đang triển khai tại thôn 3 (xã Trà Vinh) được tiếp tục triển khai để kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại an toàn của người dân trong mùa mưa bão và đảm bảo cơ sở vật chất cho trẻ em trong năm học mới sắp đến.

Trước đó, như VietNamNet đã đưa tin, Quảng Nam đã có báo cáo gửi Bộ Nội vụ để Bộ quan tâm chủ trì giải quyết dứt điểm vướng mắc về địa giới hành chính giữa địa phương này với Kon Tum và Quảng Ngãi.