-  UB Pháp luật muốn Chính phủ phải định lượng rõ mức độ vi phạm cụ thể như thế nào thì mới bị tạm giữ tàu biển. 

Tờ trình được Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng nêu tại phiên họp QH sáng nay cho hay bộ luật Hàng hải VN bổ sung chương mới quy định chi tiết nội dung liên quan đến bắt giữ tàu biển như các trường hợp được bắt giữ tàu biển, thẩm quyền và trình tự, thủ tục bắt giữ tàu biển... 

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, cơ bản tán thành luật hóa quy định về bắt giữ tàu biển trong dự thảo. 

{keywords}

Tuy nhiên, nhận định bắt giữ tàu biển là vấn đề quan trọng, liên quan đến quyền sở hữu đã được quy định trong Hiến pháp, nên UB Pháp luật đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đánh giá kỹ quá trình thực hiện pháp lệnh này để xem xét sửa đổi, bổ sung, nâng lên quy định cụ thể trong bộ luật.

Liên quan việc tạm giữ tàu biển, UB Pháp luật nhận thấy việc tạm giữ này theo thủ tục hành chính được đề cập là nội dung quan trọng ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và môi trường đầu tư, liên quan đến quyền cơ bản của công dân.

UB đề nghị cần phải định lượng rõ mức độ vi phạm cụ thể như thế nào thì mới bị tạm giữ tàu biển; quy định trường hợp “Không có đủ các điều kiện về lao động hàng hải” mà tàu biển bị tạm giữ là vi phạm gì, tính chất, mức độ vi phạm ra sao...

Đồng thời, cần có quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân phải bồi thường thiệt hại nếu tạm giữ tàu biển trái pháp luật để tránh tình trạng tùy tiện, lạm quyền của người thi hành công vụ, bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động hàng hải.

Bỏ quy định thuyền viên phải có hộ chiếu

Dự thảo bộ luật cũng đề nghị bãi bỏ quy định về việc yêu cầu thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam phải có hộ chiếu thuyền viên nhằm đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho thuyền viên.

Nghĩa vụ của thuyền trưởng cũng được bổ sung đối với việc ngăn ngừa việc chuyên chở người, hàng hóa trên tàu bất hợp pháp. 

UB Pháp luật cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn trách nhiệm của thuyền viên, của người lao động trong hoạt động đặc thù trên biển, nhất là trong việc đối phó với thiên tai, cướp biển, xử lý sự cố, tai nạn hàng hải… cho phù hợp với tình huống đặc thù; đồng thời cần quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động hàng hải khi gặp rủi ro, chẳng hạn bị cướp biển, bị bắt giữ tàu biển…

Hồng Nhì