- “Tôi tự hào những chàng trai, cô gái tôi đoàn phượt Phong Vân đã vượt qua nỗi sợ để lao xuống vực đen cứu người ở Sapa” – Quỳnh Trang viết.
Khoảng 19h chiều 1/9, chiếc xe khách giường nằm của hãng xe Sao Việt, thuộc Công ty Minh Thành Phát, đã lao xuống vực sâu tại Km19, thuộc xã Tòng Sành (Bát Xát, Lào Cai) khiến 12 người tử nạn và 41 người khác bị thương.
Nhóm “phượt” Phong Vân của Giáp gồm 18 người, đa phần là sinh viên các trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Thời điểm xảy ra tai nạn, cả nhóm đang trên đường từ Hà Nội lên Sa Pa du lịch, khi đi qua địa điểm trên thì chứng kiến vụ tai nạn kinh hoàng.
Quỳnh Trang (Ảnh: Facebook Quỳnh Trang) |
Trấn tĩnh trong giây lát, nhóm của Giáp đã gọi điện thông báo tới nhà chức trách về vụ việc và tham gia cứu người.
Vừa trở về Hà Nội từ tối 3/9, Quỳnh Trang – một thành viên trong nhóm đã có đoạn tâm sự dài chân thật và đầy xúc động về chuyến đi của mình và nhóm Phong Vân.
Được sự đồng ý của Quỳnh Trang, VietNamNet xin gửi tới bạn đọc đoạn tâm sự này:
Trước khi viết những dòng này, tôi đã không kìm được nước mắt vì bệnh viện báo tin, một nạn nhân trong vụ tai nạn xe khách ở Sapa đã được nối ống thở đưa về quê bởi “không còn hi vọng”. Điện cho gia đình, một người chú cũng nói: “Em yếu lắm rồi”…
Cầu cho những linh hồn của vụ tai nạn xe khách ở Sapa được siêu thoát. Mong những người còn sống, sớm qua khỏi.
….
Tôi đã định không đi chuyến phượt ấy vì cả ngày hôm đó và vài hôm trước trời mưa thật to, dự báo có lụt, sạt lở. Nhưng như là định mệnh sắp đặt, 1 tiếng trước giờ xuất phát, tôi alo cho leader bảo, sẽ tham gia rồi sắp xếp xế, đút quần áo vào balo và lên đường. 5 ngày 6 đêm trên hơn 1000 kmvùng Tây Bắc là hành trình dài thứ 2 tôi trải qua, trước đó là chuyến xuyên Việt bằng xe đạp trong 26 ngày hè năm nhất ĐH.
Cảnh sắc Tây Bắc Việt Nam thật đẹp tươi, hùng vĩ. Cả đoàn tha hồ gào hét, ồ à sung sướng khi thấy trùng trùng điệp điệp ruộng bậc thang, núi, mây, thác nước long lanh sắc màu trong nắng sớm, khi hoàng hôn buông ở Xí Mần, Hoàng Su Phì, Simacai...
Chúng tôi đã offroad 20km đường núi dốc toàn đá to, bùn lầy, một bên vách núi, bên vực sâu, cực hiếm nhà dân và trời 6-7h càng lúc càng mù mịt, xế và ôm sẵn sàng ứng phó với pha ngã trầy người, lo lắng sẽ bị kẹt ở đây khi đèn hết pin, đồ ăn, nước uống không còn.
Mệt lử, 9 chiếc xe với 18 con người dừng chân giữa mịt mùng bóng đêm, sương lạnh, chẳng biết phía trước còn bao km khó khăn phía trương nhưng vẫn ôm đàn ca hát, cười vang chúc mừng qua bùn lầy, đất đá an toàn. Ăn tiết kiệm, ngủ trên bạt, đi tắm nhờ, dừng dọc đường bắc nồi pha cà phê… cảm xúc của những ngày đầu ấy thật vui.
…
Khi chúng tôi từ TP Lào Cai lên Sapa với sự háo hức, mong chờ của rất nhiều con người chưa từng đặt chân đến “xứ sở sương mù” vùng Tây Bắc, cảm xúc bất ngờ đổi thay mãnh liệt. Tại Km 18-19, đoạn Tòng Sành - Dốc ba tầng trên quốc lộ 4D, khoảng 19h, ngày 1/9, chiếc xe khách giường nằm 45 chỗ tụt dốc điên cuồng, đâm vào xe con bên vách đá rồi lao rầm xuống vực sâu hơn 150m.
Xe của 4 thành viên trong đoàn chúng tôi cách vụ tai nạn chừng 10m, 3 xe máy dẫn đầu trước đó tránh được ô tô “tử thần”. Đến giờ nghĩ lại, cả đoàn vẫn cảm thấy may mắn vì nếu xe khách cứ theo chiều đâm vách đá, chắc chắn trong số các nạn nhân vụ tai nạn có chúng tôi.
“Mọi thứ diễn ra như trong phim hành động. Xe em cách xe bị đâm chừng 10m. Trời tối, chúng em không thấy xe khách đi xuống mà lại lao vèo xuống vực. Những tiếng "ầm, ầm"chát chúa, khô khốc vang lên khi xe khách lộn nhào, va vào thành vực. Em như chết đứng, sững sờ rồi ngồi thụp xuống, nước mắt chảy ra vô thức trong nỗi sợ hãi”- Ngọc Trang (22 tuổi) kể lại. Những chàng xế bình tĩnh hơn chạy sang bên vực xem xét tình hình thì thấy các mảnh của ô tô bắn văng trải dài con vực. Không ai bảo ai, mọi người lao xuống cứu hộ. Một ôm được giao trông xe gọi điện báo cho trưởng đoàn cùng 2 xe đi trước quay lại.
Xe của tôi và Đức Bùi chốt đoàn, từ xa đã thấy tò mò vì phía trước có nhiều đèn xe quá. Khi tới nơi, nghe Ngọc Trang nói không lên lời rằng: ô tô lao xuống vực. Phản ứng của một phóng viên, việc đầu tiên tôi làm là gọi điện về tòa soạn thông báo sự việc. Mất vài giây, tôi tiếp tục gọi cho 115. Trước đó, thành viên trong đoàn và người dân do mải cứu người mà quên thao tác này.
Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc |
Dưới không gian tối đen của vực, vọng lên trên đường là tiếng gọi thất thanh của một cô gái: “Mọi người ơi xuống đây đi, có nhiều người bị thương lắm”. Âm thanh ấy thôi thúc tôi lao sang đường, bám cỏ tụt xuống dốc sâu. Lúc đầu, tôi không rõ tiếng gọi kia của ai nhưng về sau tự hào vì đó là đứa em yếu đuối nhất đoàn, đêm hôm trước tôi còn phải cho nó uống thuốc hạ sốt. “Em sợ lắm nhưng lúc đó chưa có nhiều người cứu hộ nên em xuống giúp đỡ”, Diệu Lê (22 tuổi) nói.
Không biết sơ cứu cũng không có dụng cụ trong người, nữ sinh này chủ yếu ngồi động viên các nạn nhân và dùng chút sức lực yếu ớt cùng các bạn nam vận đặt nạn nhân vào cáng tự chế là giường nằm của xe và chuyển lên bờ.
Qua một hồi đi lại, mấy đứa con trai to khỏe trong đoàn còn phải thở hổn hển, Diệu Lê lên đường ngồi sụp xuống, nước mắttrào ra, sau đó được đoàn đưa vào trạm xá tiếp nước vì tụt đường huyết.
Con bé, tối qua còn rơm rơm nước mắt khi kể lại chuyện có những nạn nhân lúc trước bắt mạch còn thấy đập, lúc sau họ đã ra đi, bản thân Diệu không thể làm được gì. Diệu Lê còn thì thầm nói với tôi với giọng thật buồn: Em làm việc nên làm nhưng giờ nhiều báo tìm đến quá, em thấy hành động của mình cứ sao sao ấy. Tôi phải phân tích với nó rằng: Hành động cứu người của em và tất cả thành viên trong đoàn đềuđáng tự hào. Hãy kể tất cả để thật nhiều người biết đến và nhân rộng tinh thần tương thân tương ái này.
Quay lại câu chuyện của tôi, khi dừng lại ở tầng thứ nhất của dốc ba tầng, đập vào mắt tôi là la liệt người nằm trên cỏ nát, mặt mũi đầy máu, những tiếng kêu gào đau đớn thất thanh vang lên.
Tôi gắng sức gọi thật to để “xế” đang trườn xuống chạy lên đường lấy ba-lo có đồ cứu hộ và mọi người đang tò mò đứng trên cùng xuống giúp đỡ các nạn nhân. Ngay phút đầu tiên ấy, tôi đã mất bình tĩnh đến mức không thể mở được chiếc túi chứa băng, gạc của mình.
Tay tôi run lên khi vòng băng giữ gạc cầm máu cho người đàn ông có vết rách to, dài, máu chảy ròng ròng trên đầu, xuống mặt, miệng lắp bắp: Cố lên anh, em cầm máu cho anh rồi. Có một bạn nữ nào đó ngồi cạnh bên nên tôi tiếp tục rời chân sang nạn nhân khác.
Đó là một khuôn mặt rất to, đã tái trắng, mắt trợn, miệng há ra. Sờ má anh vẫn thấy ấm, tôi nghĩ nạn nhân còn sống và ra sức gọi họ tỉnh lại. Gọi mãi, gọi mãi không thấy anh phản ứng gì. Mọi người xung quanh kêu tôi hãy bình tĩnh. Họ đặt tay lên mũi anh và kết luận: ngừng thở rồi, hãy để anh ấy ra đi...
Chân tôi khi ấy run lên, nước mắt ứa, cổ họng vang lên những tiếng nấc. Cận kề người đàn ông to béo mặt trắng bệch ấy là một cô gái trẻ với mắt trợn ngược, mặt đầy máu. Hình ảnh này thật sự ám ảnh, xót xa.Tôi đau lắm, muốn vuốt mắt, đắp chăn cho những nạn nhân đó nhưng phải nhờ một chú khác làm hộ vì run, sợ.
Những tiếng kêu gào đau đớn của một cô gái trẻ đang được một bạn nữ ôm người, bạn nam giữ chân (có lẽ để không bị tụt xuống đoạn vực phía dưới) kéo tôi ra khỏi cơn thất thần. Tôi biết, mình phải đi tiếp vì có nhiều người cần được cứu sống. Khi hỏi thăm tình trạng, thấy nạn nhân chỉ bị đau ở chân, tôi gọi mọi người đến đưa chị lên đường.
Sau sự cố lần này, tôi nhận ra, trong tình huống rối ren, càng nơi nào có tiếng gọi to, nhiều nhất, nơi ấy càng thu hút được người đến giúp. Chiếc khăn quàng cổ, quà tặng và là vật tạo dáng yêu thích của tôi được mang ra làm dây cố định người bệnh vào cáng tự chế khi xung quanh không có dây thừng.
Tôi được giao ngồi bên nam thanh niên bị thương đang dựa vào tảng đá khác để cánh con trai vận chuyển người bệnh. Vừa ngồi xuống, nạn nhân này vội nắm chặt tay tôi nói liên hồi bằng giọng miền Nam: “Đừng bỏ tôi lại một mình”, “tôi đau quá”, “đây là đâu”, “vì sao tôi ở đây”…
Anh hoàn toàn không nhớ được gì về bản thân, gia đình, bè bạn. Khi ấy tôi chỉ biết hứa không đi, nói cứu hộ sắp tới rồi, giới thiệu bản thân và nói chuyện về Sapa tươi đẹp để anh bớt hoảng loạn. Sau khi vào viện, người thanh niên này được khâu 5 mũi trên đầu, có máu tụ trong não và phổi nhưng may mắn lấy lại được trí nhớ và dần hồi phục.
Đây cũng là nạn nhân tôi trăn trở nhất khi vào bệnh viện tìm kiếm người của vụ tai nạn. Do không biết tên tuổi, quê quán, các bác sĩ không thể giúp tôi xác định nơi anh nằm. May mắn sau khi đi từng phòng bệnh, tôi gặp được anh và cái nắm tay cùng nụ cười: “Em nhớ hôm qua đã nắm chặt tay một cô gái và nói đừng bỏ tôi một mình, hóa ra đó là chị ạ” khiến trái tim trở nên hạnh phúc.
Rời chàng trai “không nhớ nổi tên mình” khi anh được cáng lên bờ, tôi tiếp tục tụt xuống tầng dốc tiếp theo. Ở đây, có nhiều nạn nhân khác, họ không bị chảy máu bên ngoài và được một hai bạn ngồi bên. Tôi đến chỗ người phụ nữ đang nói không lên lời, thì thầm: chị bị đau ở ngực, khó thở lắm, chị tên Dung, đi cùng chồng, mẹ đẻ và em gái ruột.
Không biết phải làm gì với nạn nhân này, tôi gọi điện cho 115 hỏi và xin họ mau tới cứu người. “Nạn nhân vẫn tỉnh táo, có thể chuyển lên được”, nghe câu ấy tôi liền nhờ mọi người đến giúp. Trước khi chị được chuyển đi, tôi lên trên khoảng 1-2m băng bó cho người đàn ông to con giọng Sài Gòn bị thương ở đầu.
Khi ấy, bông gạc mang đi đã hết, rút túi băng vệ sinh, tôi đặt lên đầu rồi băng lại cầm máu cho anh. Những chiếc băng vệ sinh này sau đó được cầm máu cho vài nạn nhân nữa. Có anh dưới đáy vực sau khi dùng 2 chiếc vẫn phải thủ thêm 2 chiếc nữa ^^.
Nghe cánh con trai kể lại, tôi mới biết chúng không nín được cười khi chuyển các nạn nhân có băng vệ sinh trên đầu. Mọi người trêu rằng, sau này khi đi phượt, dù là con gái hay con trai cũng nên mang theo dụng cụ cầm máu này, nhất là loại có cánh =))).
Tiếp chuyện về chị Dung và người đàn ông giọng Sài Gòn bị thương trên đầu, theo kinh nghiệm khi gặp nạn nhân, tôi luôn hỏi họ đau ở đâu, họ tên, quê quán, đi cùng ai, cách liên lạc với gia đình.
Kinh nghiệm đó đã giúp tôi phát hiện ra người đàn ông mình đang băng bó, tên Bảo kia là chồng của chị Dung. A một tiếng rồi tôi nói lớn xuống dưới: Chị Dung ơi, chồng chị ở đây, anh ấy an toàn rồi.
Nét mặt của người đàn ông có BVS trên đầu cũng như giãn ra. Khi nhiều người hơn gồm cả đoàn phượt của tôi, những người đi đường và dân bản địa xuống giúp, tôi tiếp tục di chuyển xung quanh. Đứng bất thần một chút trước những xác chết nằm dài, tôi lại thở mạnh, lấy bình tĩnh, đứng nhìn xuống đáy vực bảo mọi người rằng mình tụt xuống tiếp.
Tôi nghe tiếng ai đó trong đoàn gọi lại: Chị ơi đừng xuống đó, dốc lắm, nguy hiểm. Mấy người dân cũng bảo, con gái đừng xuống đó làm gì. Vừa trả lời: Cháu còn sức, còn đồ cầm máu, cháu phải đi tiếp, tôi soi đèn điện thoại mò lối đi. Từng bước di chuyển từ trên đỉnh vực xuống dưới ấy, tôi đều rất sợ rằng mình có thể giẫm lên một ai đó đang nằm ở dưới vì trời tối quá. May mắn, suốt khoảng 150m ấy, tôi không giẫm phải nạn nhân nào.
Tầng thứ 3 của con vực dốc gần như thẳng đứng. Leader trong đoàn khi ấy ở đâu hiện ra, chỉ cho tôi lối dễ đi. Anh đứng trên soi đèn cho tôi bám cỏ trượt xuống. Vất đèn để tôi cầm, anh cũng tụt đi theo. Đoạn dốc này thật sự kinh khủng. Cỏ trơn bám đầy xăng dầu ô tô và bốc mùi khó chịu. Tôi sợ khi ý nghĩ mình có thể bị nổ tung hoặc cháy trong đám cỏ này. Sau nghe nhóc Như Thương (23 tuổi) kể rằng, em đã phải hút thuốc lá để lấy bình tĩnh, tôi thấy mình thật may mắn vì cái tàn thuốc ấy không âm ỉ rồi bùng lên.
Dưới đáy vực khi ấy có 4-5 người thanh nhiên, trong đó 2 người của đoàn. Đức Bùi (tên thường gọi là Bùi), anh Mạnh Hùng và Như Thương (khi đó không biết ở chỗ nào) tiếp cận khu vực này sớm nhất. Tôi khi ấy và rất lâu sau là đứa con gái đầu tiên và duy nhất có mặt ở cuối vực sâu. Đưa băng vệ sinh cầm máu cho một anh trai, tôi giục Bùi ra gọi giúp mọi người chuyển nạn nhân lên bờ, để tôi sức yếu hơn, ngồi cạnh em gái tên Vân, sv ĐH Y Hà Nội đang nằm trên đá, cỏ ở đó. Khi Bùi rời đi, Vân bất ngờ túm chân thằng bé vì sợ bị bỏ rơi. Trước đó, chàng trai của đoàn tôi đã tháo chiếc vòng tay may mắn mà thầy trụ trì ở một chùa trong Hà Tĩnh tặng cho, trao cho nạn nhân, mong truyền may mắn được cho em để tai qua nạn khỏi.
Tôi nắm lấy tay Vân, nói chị ở đây rồi và động viện em phải cố gắng vì còn mẹ và đứa cháu 11 tuổi cũng đi cùng xe đang chờ ở trên (lúc này nói dối vì tôi hoàn toàn không gặp họ),cô bé dần yên tâm trở lại.
Người Vân lạnh, tôi đi nhặt từng chiếc chăn đắp cho em. Những chiếc chăn này sau đó thật hữu ích, trở thành đệm cho cô bé khi được khiêng lên cáng. Vân bị đau ở chân, cột sống, mặt bê bết máu, cứu hộ 115 khuyên tôi qua điện thoại là không nên chuyển cô bé đi.
Rất lâu sau vụ tại nạn, bác sĩ và cứu hộ mới có mặt dưới đáy vực để vận chuyển những nạn nhân sống sót lên bờ. Dưới Vân còn một chị to béo bị thương rất nặng, nằm đè lên một xác chết khác,trong nắp của chiếc xe bị bay ra. Khi bác sĩ, công an và nhiều người hơn xuống đáy vực (khoảng 1 tiếng rưỡi – 2 tiếng sau tai nạn), chiếc nắp được đẩy ra và còn nữa những người bị chết.
Tất cả những nạn nhân tôi gặp đều bị kiến, bọ, ruồi bò lên người. Tiếng nhờ: chị ơi xem giúp em có con gì đang đốt thật ám ảnh. Tuy nhiên, hình ảnh đáng sợ nhất về những con bọ ấy, nằm ở chỗ Vân.
Ngoài kiến, có một con như con sán (tôi bị ám ảnh trong lầntrông bà ngoại sắp mất, sán bò từ trong miệng ra, ngeo ngẩy) bò vào hốc mắt của em. Chỉ biết hét một tiếng sợ hãi, tôi lấy tay nhặt con đó vất thẳng đi. Tôi liên tục phải gọi Vân vì cô bé quá yếu hay nhắm mắt lại. Mỗi lần nghe tiếng của tôi, Vân mở mắt ra. Trong ánh đèn mờ dưới đáy vực, tôi cúi nhìn vào mắt em, máu trong mắt vằn đỏ rực, hốt hoảng. Rất nhiều lần như thế rồi thành quen.
Khi tìm kiếm nạn nhân xung quanh không thấy và người xuống đông hơn chị to béo được ròng dây kéo cáng lên bờ. Đá bên trên mấy lần lăn xuống khu cuối vực đang có những người chúng tôi.
Vân là nạn nhân còn sống cuối cùng được chuyển đi. Lo xong cho em, tôi cũng bám dây thừng, níu tay các anh cơ động, cứu hỏa đứng dài theo dây, bám cỏ bò lên ở những chỗ không có người cứu hộ.
Nửa đường, cảm giác mệt phờ. Khi ấy, điện thoại đổ chuông, cả đoàn phượt đang chờ tôi, người cuối cùng của đoàn lên để di chuyển đến Sapa. Chân không muốn bước nữa nhưng suy nghĩ phải đi tiếp thúc đẩy tôi.
Có tiếng gọi ở trên: Chị ơi đi đường bên này, tôi rời con đường bị lạc vì khi ấy mệt chẳng rõ lối lên xuống, dọc ngang và đi theo đường cỏ bị nát. Bám cỏ, cào đất, vịn đá, cuối cùng tôi cũng lên được nơi có những cánh tay của cảnh sát, người dân đưa ra kéo tôi lên đường. Ngồi tựa vào hộ lan thở hổn hển một lúc, tôi lờ dờ bước đi tìm đồng đội của mình mà mấy lần được người dân kéo vào đường để tránh xe hay cái gì đó, khi ấy tôi không tỉnh để nhìn thấy rõ. Tôi còn nghe tiếng ai đó bảo mình rằng, làm gì mà như hết hồn, mồ hôi, đầu tóc bê bết thế kia. Sau một lúc đi và gọi “Phong Vân ơi” (tên đoàn Phượt của tôi), tôi được Nguyên Cu tìm thấy và dẫn về đoàn. Xế này của tôi sau đó còn giúp các chú công an vận chuyển đồ cứu thương, nước uống xuống khu vực xảy ra tai nạn do ô tô không thể di chuyển được.
Các thành viên nhóm phượt Phong Vân (Ảnh: Facebook Quỳnh Trang) |
Bữa cơm tối của chúng tôi khi ấy diễn ra lúc 00h. Trưởng đoàn và tôi mời cả đoàn nâng ly cảm ơn các em (trong đoàn khi ấy tôi và leader lớn tuổi nhất) đã làm rất tốt khi dũng cảm xuống vực cứu người. 16 thành viên sau đó đều nhớ và nhắc lại những nạn nhân mình cứu,những hình ảnh đáng sợ vừa qua. Đức Bùi, Nguyên Cu, Thịnh ST, Giáp, Thắng, Diệu Lê, Hoài Anh, Nguyễn Ánh, Như Thương, Quang Ngọc, Mạnh Hùng… đều cùng người dân vận chuyển,cứu được rất nhiều người.
Trong câu chuyện của chúng, tôi thấy những thứ còn ám ảnh hơn hình ảnh mình gặp. Đứa thấy anh đồng tử bị lòi ra, đứa bắt mạch ở cổ không được bèn lật nạn nhân ra thì chiếc cổ bị oặt, mặt mắt trợn trừng đầy máu, đứa không nhận dạng được mặt người vì máu phủ kín, nạn nhân yếu ớt thở, bong bong máu phập phù...
Những đứa trẻ mới 20-23 tuổi đã thật dũng cảm khi vượt qua nỗi sợ để chung tay cứu nạn với một số người dân, khách qua đường. Trên đường khi ấy có rất đông người hiếu kỳ đứng xem nhưng ít ai xuống vực sâu. Một số người xuống chỉ để hôi của.
Trong lúc nguy nạn, rối loạn, bọn nhóc còn nghĩ ra nhiều chiêu trò để cứu được nhiều nhất các nạn nhân như: móc bông trong gối nằm của xe khách để cầm máu, xin dây thừng cột vào cây làm điểm tựa kéo cáng bằng ghế lên, dùng cờ lê đóng xuống đất để leo dần tới đường. “8 người mới đưa được một cáng lên. Vực dốc, chúng em phải dùng cả đầu, vai, lưng, ngực để giữ nạn nhân không bị tụt xuống”, Nguyên Cu kể. Quần, giầy, chân tay của mấy đứa em vì phải leo lên xuống vực dốc đá nhiều lần mà rách nát, trầy xước. Nhưng trên khuôn mặt chúng là niềm vui vì đã gắng hết sức làm được việc tốt.
Câu chuyện về vụ tai nạn chỉ được nhắc đến trong chưa đầy 5 phút trong bữa ăn, chúng tôi phải chuyển chủ đề khác vì không muốn nhớ lại các hình ảnh hãi hùng đó. Rượu được lôi ra để uống cho quên sự đời.
Đêm đó, tôi cùng làm 4-5ly và khi vừa nằm xuống giường (lúc hơn 2h đêm) đã lăn ra ngủ không biết gì. Ngày hôm sau, tôi lên đường về TP làm công việc của một nhà báo. Các thành viên Phong Vân phượt chiều đó cũng vào bệnh viện thăm các nạn nhân mình cứu đêm qua. Những cái bắt tay, lời cảm ơn của gia đình và chính nạn nhân (chứng tỏ nạn nhân đã có dấu hiệu hồi phục) khiến mọi người hạnh phúc.
“Chuyến đi lần này, nó vui có, buồn có, cảm xúc lẫn lộn. Nó vui vì làm được những điều nó thích, được thỏa mãn đam mê. Nó buồn vì nó là một con người, nó ước nó trở thành siêu nhân. Nó cũng sợ lắm. Chân nó run lên, đầu óc nặng trĩu, nhưng nó vẫn hành động như có ma lực nào đó thúc nó làm… Nó nhờ chúc tới những người bị nạn sớm bình phục,s ớm trở về với cuộc sống đầy ý nghĩa này”, tâm sự của Mr.Bùi (Bùi Ngọc Đức) khi về đến thủ đô, lúc 20h ngày 3/9.
Văn Chung