- Một nhóm học sinh (HS) lớp 3 Trường Tiểu học Giồng Ông Tố (quận 2) đã tự thành lập công ty với đầy đủ các chức danh như giám đốc, phó giám đốc, nhân viên… để sản xuất, kinh doanh buôn bán các vật dụng cho HS trong trường.

Kinh doanh như… người lớn!

Mới đây, bé Đỗ Nguyễn Hoàng Nhi, HS lớp 3C Trường Tiểu học Giồng Ông Tố, đã thành lập Công ty TNHH Buôn bán Tập vở, xô vòng, giấy tô màu chuyên kinh doanh buôn bán các mặt hàng như tập vở, giấy tô màu, kẹp tóc, các loại vòng tay, nơ buộc tóc… cho HS trong trường này. Bé Nhi chia sẻ: “Ban đầu công ty chỉ có mình con thôi. Con cắt các tập vở, kiếm dây chun, vỏ ốc, vỏ sò làm thành cuốn sổ nhỏ nhỏ hay vòng tay, vòng cổ bán cho các bạn. Sau đó con tuyển thêm sáu nhân viên trong lớp làm phó giám đốc, tổ trưởng nhân viên, phó tổ trưởng nhân viên, nhân viên cắt, nhân viên giao hàng, thủ quỹ. Riêng con làm giám đốc”.

Bé T., phó giám đốc, chia sẻ: “Sau khi phân chia công việc cho từng bạn cụ thể, cứ giờ ra chơi là bọn con lấy giấy ra cắt và ghim lại thành từng cuốn tập, rồi cắt giấy tô màu, đi mua các hột vòng… làm thành từng sản phẩm thật đẹp và đi bán, mỗi sản phẩm có giá 2.000-4.000 đồng. Bình quân mỗi ngày bọn con bán được từ 15.000 đến 30.000 đồng, đem nộp cho thủ quỹ. Cuối tháng, tùy theo lượng tiền thu được mà bạn Nhi trả lương cho bọn con”.

Minh họa

Cũng cạnh tranh, khuyến mãi như ai

Bé P., tổ trưởng tổ nhân viên, cho biết: “Thấy công ty cháu bán được hàng, thế là một nhóm bạn khác trong lớp cũng thành lập công ty. Nhóm này bán các mặt hàng tương tự và ngang giá với công ty bọn cháu. Thấy thế, bọn cháu đi nói nhỏ với các bạn rằng mỗi sản phẩm của Công ty TNHH Buôn bán Tập vở, xô vòng, giấy tô màu sẽ được giảm giá 500 đến 1.000 đồng. Thế là các bạn trong trường đổ xô mua đồ của bọn cháu”.

Bé Nhi còn “bật mí”: “Ngoài bán các mặt hàng trên, nếu bạn nào thiếu tiền thì bọn cháu cho vay hoặc cho nợ có tính lãi. Hôm nay vay 2.000 đồng, ngày mai hoặc ngày kia trả 3.000 đồng. Toàn bộ số tiền thu được bọn cháu dùng để ăn quà vặt chứ bố mẹ không biết”.

“Mẹ dạy con sử dụng cái đầu”

Bé Nhi cho biết lý do mình kinh doanh là để kiếm tiền tiêu vặt và do mẹ “gợi ý”: “Mẹ bảo con phải sử dụng cái đầu để quản lý những người khác, nếu không dùng cái đầu thì mãi mãi mình chỉ đi làm thuê thôi. Nên con quyết định phải thành lập công ty để kiếm tiền, con phải làm giám đốc. Con cũng muốn sau này làm giám đốc ngân hàng”.

Đem chuyện này nói với mẹ của bé Nhi, chị Nguyễn Thị Bính nhớ lại: “Cách đây mấy tháng, thấy con gái đã lớn, lại muốn tập cho con có một cuộc sống ngăn nắp, nên tôi có một giao kèo nhỏ: “Mỗi ngày con dọn dẹp nhà thật sạch, mẹ sẽ cho 5.000 đồng bỏ ống, riêng thứ Bảy và Chủ nhật, mỗi ngày sẽ cho thêm 6.000 đồng nữa để mua truyện, mua báo Nhi đồng. Suốt hai tháng trời, bé dọn dẹp nhà rất sạch khiến tôi cũng vui vì hai vợ chồng đi làm cả ngày không có thời gian, bảo con dọn chủ yếu để giáo dục con và hạn chế nó đi chơi hay đánh điện tử. Sau đó cháu mới nói không muốn làm nữa vì mệt quá. Tôi bảo con: “Con thấy không, người ta lao động cực khổ, cuối ngày mới có được đồng tiền. Con lao động cho mẹ và mẹ trả tiền cho con thì cực cũng phải chấp nhận. Nếu con không muốn lao động thì phải học thật giỏi, sử dụng cái đầu của mình để làm việc mới được. Trên đời chỉ có hai loại người, một loại người sử dụng cái đầu để làm việc và một loại người khác sử dụng chân tay để làm việc, con chọn loại người nào? Vì thế phải cố gắng chuyên tâm học hành”.

Chị Bính cho biết bản thân chị và chồng đều là giáo viên, nên muốn hướng con vào việc học tập và rèn luyện các kỹ năng sống. Không ngờ bé lại hiểu sai ý chị và áp dụng quá sớm.

Khuyến khích các em sáng tạo

Tôi rất bất ngờ khi nghe tin các em tự thành lập công ty và sản xuất đồ bán cho các HS trong trường.

Quan điểm của trường là không cấm các em sáng tạo nhưng việc sáng tạo đó thành sản phẩm đem đi bán trong trường là không được phép. Tôi sẽ khuyên các em đem toàn bộ số tiền bán được đóng góp cho nhà trường để ủng hộ đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung. Đồng thời, sắp tới nhà trường sẽ phát động các cuộc thi sáng tạo ý tưởng giữa các lớp, các nhóm với nhau để tạo sân chơi cho các em. Tôi mới kiểm tra thành tích học tập, các em đều là học sinh khá, giỏi”.

LƯƠNG THỊ LIỄU,
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giồng Ông Tố

Đây là chuyện hiếm gặp

Hiện tượng tập tành kinh doanh của các em học tiểu học không phải là hiếm. Một số em thường mang tập vở, các loại bút, bánh kẹo, đồ chơi… lên trường bán lại cho các bạn. Tuy nhiên, chuyện HS lớp 3 mà tự đứng ra thành lập công ty với đầy đủ chức danh như thế là chuyện hiếm gặp. Theo tôi, đối tượng HS này cần được hỗ trợ về mặt tâm lý, để các em hiểu được vấn đề nên hay không nên kinh doanh. Có thể ý tưởng, sự đam mê kinh doanh của các em bây giờ chưa phù hợp nhưng nếu nuôi dưỡng tốt, một cách hợp lý, đó sẽ là tiền đề để thực hiện ước mơ sau này.

Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp cận với nhóm HS này để nói chuyện, giúp đỡ, định hướng cho các em.

TS THẠCH NGỌC YẾN, chuyên viên tư vấn tâm lý Trung tâm
Công tác Xã hội TP.HCM

(Theo Pháp luật TPHCM)