Mặc dù bị nhiều người, nhiều cơ quan báo chí lên tiếng từ lâu nhưng nạn giả danh tăm tre nhân đạo từ lâu vẫn ngang nhiên hoành hành trên khắp địa bàn Hà Nội. Nhất là trong mùa thi đại học này, “Tăm Vip tình thương” có mặt ở hầu khắp các bến xe, cổng trường đại học… để lừa gạt thí sinh và người nhà.

Không chỉ ở những bến xe khách như Mỹ Đình, Gia Lâm, Giáp Bát mà những kẻ giả danh tăm tre nhân dạo còn hoành hành ở khắp các bến xe buýt, các cổng trường đại học. Với danh nghĩa là những nhân viên của của hợp tác xã sản xuất Tình thương, cơ sở sản xuất của thương bệnh binh và người tàn tật, địa chỉ 32 Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Sơn Tây, Hà Nội hoặc nhân viên của Hội Người mù Hà Nội, Hội Người mù Việt Nam, những người này đã lợi dụng lòng tốt của rất nhiều người để kiếm tiền bất chính. Hầu hết những người bị lừa gạt là thí sinh và phụ huynh mới lần đầu lên Hà Nội, còn bỡ ngỡ, chưa biết được những thủ đoạn xảo quyệt của chúng.

Các đối tượng giả danh tăm tre nhân đạo ngang nhiên hoành hành tại các bến xe buýt cổng Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo quan sát của tôi tại điểm xe buýt Đại học quốc gia Hà Nội và bến xe Mỹ Đình thì từ sớm đã có một tốp khoảng 10 người nam thanh nữ tú tự nhận là nhân viên của Hội Người mù Việt Nam, Hội Người mù Hà Nội để bán tăm cho khách với giá từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng một gói tăm. Trên tay mỗi người đều có một quyển sổ, cây bút cùng những gói “tăm Vip tình thương” để lôi kéo sĩ tử và phụ huynh mua tăm. Mỗi người mua tăm đều được hỏi họ tên, địa chỉ, quê quán để ghi vào “sổ từ thiện” rồi được kí tên, sau đó mới trả tiền. Khi tôi hỏi thì Tô Thị Hồng, thí sinh dự thi trường Đại học Sư phạm Hà Nội mới biết là mình bị lừa: “Em thấy các chị ấy bảo là nhân viên của Hội Người mù Hà Nội, đi bán tăm tre nhân đạo để gây quỹ ủng hộ người mù nên em mua một gói với giá 50.000 đồng”.

Mỗi thí sinh khi mua tăm đều được ký vào cuốn sổ gọi là “Sổ tình thương”

Còn Ngô Thị Hải Yến, thí sinh dự thi Đại học Quốc gia Hà Nội cũng bị lừa như vậy nhưng với một lí do khác: “Em thấy chị ấy bảo mỗi thí sinh dự thi ở đại học quốc gia mới đều được phát một gói tăm tre nhân đạo này. Chị ấy hỏi em họ tên, quên quán, rồi bảo kí vào sổ từ thiện. Khi trả tiền em hỏi bao nhiêu thì chị ấy bảo tùy tâm thôi nhưng thường thì mỗi người ủng hộ 50.000 đồng. Chị ấy còn đưa em xem danh sách những người mua tăm ủng hộ nữa”.

Còn Nguyễn Văn Sỹ, học sinh trường THPT Lương Thế Vinh, mặc dù ở Hà Nội đã lâu nhưng vẫn bị lừa gạt, mua một gói “tăm Vip tình thương” với giá 20.000 đồng.

Mỗi gói “tăm Vip tình thương” như thế này có giá từ 20.000đ đến 50.000đ.

Theo quan sát của tôi thì chỉ trong một thời gian ngắn, đã có rất nhiều thí sinh và người nhà bị lừa gạt mua tăm với giá từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng một gói. Khi tôi tiếp cận để chụp ảnh và hỏi chuyện những đối tượng này thì liền bị lăng mạ với những lời lẽ rất thô tục thậm chí còn dọa nếu tiếp tục chụp ảnh sẽ phải “tự gánh chịu hậu họa”.

Ông Nguyễn Văn Tám, làm nghề xe ôm ở bến xe Mỹ Đình đã hơn 6 năm nay cho chúng tôi biết: Từ ngày bác đi làm xe ôm ở đây đã thấy những người bán tăm tre này rồi. Ngày nào cũng có từng tốp khoảng 10 thanh niên ra đây bán tăm. Bọn chúng phân chia thời gian, tốp đi buổi sáng và tốp đi buổi chiều. Mỗi ngày có rất nhiều người bị lừa gạt, nhất là những sinh viên mới lên nhập học và những người ở quê lần đầu ra Hà Nội.

Rất nhiều người đang bất bình và bức xúc về nạn giả danh tăm tre nhân đạo lừa gạt mọi người này. Mong rằng các cơ quan chức năng sẽ sớm có biện pháp và chế tài xử lý để chấm dứt tình trạng này.

Vũ Viết Tuân