TP Dĩ An là địa phương có hàng trăm ca nhiễm và giáp ranh với TP HCM, cửa ngõ ra vào tỉnh Bình Dương. Trong buổi làm việc với lãnh đạo TP Dĩ An, ông Nguyễn Văn Lợi đã yêu cầu lãnh đạo TP Dĩ An phải huy động tổng lực nhanh chóng cắt nguồn lây, dập dịch trong thời gian sớm nhất.
Ông Lợi cũng yêu cầu TP Dĩ An phải siết chặt kiểm tra thực hiện Chỉ thị 16, đồng thời nhanh chóng hỗ trợ người dân gặp khó khăn, bị ảnh hưởng vì dịch.
Dịp này, PLO đã có cuộc phỏng vấn nhanh với ông Nguyễn Văn Lợi về những việc cần làm ngay trong tình hình hiện nay để vừa dập dịch vừa phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Lợi-Bí thư tỉnh ủy Bình Dương: "Chuẩn bị sẵn sàng, bắt nhịp phát triển kinh tế hậu COVID-19". Ảnh: LÊ ÁNH |
Siết chặt Chỉ thị 16, tận dụng thời gian vàng để dập dịch
PV: Thưa ông, ông nhận nhiệm vụ tại Bình Dương trong bối cảnh dịch bệnh tại địa phương này đang diễn biến phức tạp, ông sẽ có những chỉ đạo, lãnh đạo như thế nào để chống dịch hiệu quả?
+ Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư tỉnh ủy Bình Dương:
Trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, tôi đã yêu cầu tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Trong đó, Bí thư và Chủ tịch các địa phương phải lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, thì mới cắt dịch, dập dịch có hiệu quả. Việc bảo vệ sức khỏe người dân, công nhân là điều hết sức quan trọng.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư tỉnh ủy Bình Dương thăm giáo viên và sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội đang hỗ trợ tại TP Dĩ An. Ảnh: LÊ ÁNH |
Để nhanh chóng dập dịch thì các địa phương phải siết chặt việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Các cửa ngõ ra vào ở Bình Dương phải được kiểm soát chặt chẽ đúng quy định.
Lãnh đạo các địa phương phối hợp với các ngành, đặc biệt là Ban quản lý các khu công nghiệp phải tổ chức sản xuất trong điều kiện mới. Nơi nào còn an toàn thì phải tổ chức sản xuất nhưng phải đảm bảo 5K cộng với vaccine. Nơi nào có nguy cơ thấp thì giảm quy mô sản xuất, nơi nào nguy cơ cao thì phải “khóa lại” ngay phòng dịch.
Ngoài ra, phương án ba tại chỗ phải xúc tiến ngay để vừa chống dịch vừa không để đứt gãy sản xuất: là ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ, sản xuất tại chỗ cộng với thường xuyên xét nghiệm. Cố gắng là thực hiện theo phương án này thì sẽ không đứt gãy sản xuất.
Chuẩn bị sẵn sàng, bắt nhịp phát triển kinh tế hậu COVID-19.
Bình Dương đang có những xáo trộn về cán bộ liên quan đến vụ việc cơ quan điều tra khởi tố một số cán bộ liên quan đến đất đai. Vậy ông sẽ có những chỉ đạo gì để ổn định tình hình, phát triển kinh tế?
+ Những vụ việc xảy ra đối với Bình Dương trước đây thì phải xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc làm quan trọng bây giờ là lãnh đạo tư tưởng, công tác tổ chức, kiện toàn củng cố các cơ quan, các chức danh đang còn thiếu để bộ máy đủ mạnh, đủ sức để lãnh đạo chống dịch và tổ chức sản xuất trong điều kiện mới.
Công nhân tại Công ty Hansoll Vina (Khu công nghiệp Sóng Thần 1, có hàng chục ca nhiễm) được đưa đi cách ly. Ảnh: LĐLĐ |
Song song với công tác chống dịch, chúng tôi sẽ có một hội nghị làm việc với các doanh nghiệp lớn, để lãnh đạo Bình Dương nghe họ tư vấn và đề xuất những vấn đề quan trọng để phát triển kinh tế.
Ngoài ra, muốn phát triển kinh tế thì phải kết nối hạ tầng, kết nối vùng. Đặc biệt, là hạ tầng về giao thông. Bình Dương sẽ đặc biệt chú trọng và quyết liệt trong vấn đề này.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ chuẩn bị mọi điều kiện để phát triển kinh tế cho giai đoạn hậu COVID-19. Ngay từ bây giờ sẽ chuẩn bị, nếu không làm từ bây giờ thì sẽ bỏ lỡ thời gian vàng để bắt nhịp vào phát triển.
Tôi sẽ nỗ lực hết sức mình để xây dựng tập thể đoàn kết, kỉ cương sáng tạo, đáp lại lòng kỳ vọng của Trung ương, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Dương.
Theo PLO