Khá bất ngờ khi Tấn Minh nhận lời tham gia Kpop Festival 2012, một chương trình dành cho giới trẻ và quá nhiều những thứ khác biệt về âm nhạc. Tấn Minh trả lời một cách đơn giản: “Âm nhạc thì không biên giới”.

Âm nhạc cần đa dạng

- Việc anh nhận lời tham gia trong Kpop Festival 2012 làm nhiều người bất ngờ?

Tôi nhận lời một cách rất tự nhiên sau khi đã tìm hiểu chương trình và biết được ca sĩ Việt Nam sẽ có những màn trình diễn và vị trí trân trọng trong đó. Một điều nữa đây cũng là chương trình giao lưu văn hoá Việt - Hàn, vậy nên âm nhạc cũng phải đa dạng, có yếu tố giao lưu với nhau. Các khán giả mua vé xem chắc chắn cũng hiểu điều đó.

- Anh quyết định hát “Bức thư tình đầu tiên” - ca khúc mà anh đã trình diễn quá nhiều?

Tôi nghĩ đó là một ca khúc tình cảm lãng mạn hợp với tiêu chí của chương trình. Không phải đến bây giờ tôi mới hát lại “Bức thư tình đầu tiên”, mà tôi vẫn hát ca khúc này thường xuyên. Một ca khúc lâu không có nghĩa là cũ, quan trọng là đời sống của nó trong lòng công chúng ra sao.

- Anh có bị áp lực về danh tiếng của mình với khán giả trong chương trình Kpop Festival 2012 này không, họ không phải đối tượng khán giả của anh. Anh không có danh xưng, nhưng vị trí cũng đủ vững vàng để có vài điều đắn đo?

Tôi chỉ công nhận một phần đúng trong điều bạn nói. Với tôi, thành công hôm nay không thể làm chiếc áo để làm thành công ngày mai, đó là sự thật tôi tâm niệm, không sách vở. Có một số người mất bình tĩnh, phá phách để khẳng định cái tôi mới mẻ. Điều đó không có nghĩa là phong cách đó của họ không đem lại thành công ở một thời điểm nào đó.

Nói ra hơi mâu thuẫn, tôi là người có tham vọng nhưng không bon chen. Có thể điều đó giúp tôi bình tĩnh trong mọi sự việc. Những quan hệ, làm việc chung với các thế hệ lớn, tôi học hỏi kinh nghiệm từ họ, và chơi nhiều với các bạn trẻ, là quan sát cái hay mới mẻ của họ. Thực sự ai cũng có cái hay, tôi có kinh nghiệm đủ để học hỏi nhanh những điều mới tiến bộ. Tôi muốn hiện đại, cập nhật, nhưng đủ tỉnh táo để biết nó hợp với mình. Vì vậy với đối tượng khán giả nào tôi tin mình cũng có cách để chinh phục họ.


Không tìm danh vọng qua 1-2 bài hit

- Gần như hit lớn nhất của anh là “Bức thư tình đầu tiên” và bây giờ vẫn vậy, anh có theo đuổi “hit” không?

Tôi không nghĩ nhiều và để mọi thứ trôi đi như luật tự nhiên an bài, định mệnh thôi. Đôi khi có những bài rút hết ruột gan ra, “lên đồng” luôn đi, lại chìm nghỉm. Ngược lại, “ất ơ có khi vớ dưa bở”.

- Nghĩa là anh chơi trò tung đồng xu may mắn, nghe hơi khó tin ?

Đương nhiên, bảo không cần ca khúc thành hit thì nói dối lồ lộ, nhưng trước tiên phải để khán giả yêu thích nhận dạng được mình đã. Đó là khi tính tuyên ngôn của Tấn Minh trong ca khúc lên tiếng. Tôi vào nghề cũng lâu rồi, không còn là cái anh trẻ muốn đi tìm danh vọng qua 1, 2 bài hit nữa. Sự mong muốn là có, nhưng đứng thứ 2, quan trọng là tính tuyên ngôn trong mỗi tác phẩm.

- Đối với âm nhạc chung của Việt Nam và cả Hàn Quốc, anh “chấm” thử một chữ hay xem nó “vang” đến đâu ?

Nói một chữ “hay” nhưng không rõ ràng sẽ dài dòng, quan điểm cá nhân, tự nhiên thôi, ta cảm thấy hay thì nó hay, chúng ta đừng nghĩ gì nó mới là tận cùng cái hay và không hay. Chúng ta bật lên thấy hay là hay, cảm giác quan trọng lắm, nếu mang ra mổ xẻ thì nó sẽ có cái không hay. Như gặp một người mà thấy thích ngay, hay gặp người khác thấy không ổn, 10 năm sau gặp lại thấy vẫn thế, cái cảm giác ban đầu của một người là cực kì chính xác. Đỉnh cao của kĩ thuật thanh nhạc là trở về ban đầu ở mức cao hơn.

Nó cũng giống như những bạn yêu nhạc Hàn, họ bật những ca khúc của DBSK, SNSD… lên thì sẽ thấy hay, tôi nghe thì thấy có nhiều thứ thú vị thôi, mỗi người có một cái cảm “hay” riêng.

- 2 bé nhà anh có “ảnh hưởng” gì từ nhạc quốc tế, hay cụ thể hơn là nhạc Hàn không?

Ở nhà 2 cháu chỉ thích nghe bố đánh piano thôi, và nghe những ca khúc thiếu nhi dành cho tuổi các cháu. Tivi nhà tôi cũng bật nhạc quốc tế, Hàn Quốc nhiều nhưng chưa thấy các cháu “cảm”, chắc chưa đến tuổi (cười).

- Gia đình anh cũng có điều kiện, sao không cho các cháu học trường Tây, du học như nhiều nhà giàu khác?

Một đất nước hoàn hảo như ở Mỹ thì người ta làm được điều đấy, mình không thể mạo hiểm. Tôi làm gì đi chăng nữa vẫn muốn con là người Việt Nam. Còn đương nhiên việc phát triển thời đại là quy luật mình phải điều chỉnh.

- Anh có muốn con cái theo nghề của mình không?

Tôi khẳng định 80% nghệ sĩ đều muốn con gái theo nghề. Nhưng giữa mong muốn và ép buộc là khác nhau, trong lòng tôi có muốn không, muốn chứ, nối nghiệp cha mẹ mà. Tổng thống muốn con mình sau này cũng tranh cử tổng thống chứ. Tôi không quan tâm mọi người nói gì, mà quan tâm mọi người nghĩ gì.

- Xin cảm ơn anh!

  • Mai Nhàn