Ngày 11/4, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (TP Hà Nội), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức lễ công bố Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022.
Theo Báo cáo, điểm số PCI của tỉnh Hà Giang năm 2022 là 64,39 điểm, tăng 18 bậc so với năm 2021 trên thang điểm 100; xếp thứ 41/63 tỉnh, TP; thứ 7/14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, sau Bắc Giang, Lào Cai, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Kạn.
Đây là thứ hạng cao nhất tỉnh Hà Giang đạt được qua 18 năm thực hiện xếp hạng.
Qua phân tích 10 chỉ số thành phần PCI, Hà Giang tăng điểm ở nhiều chỉ số. Trong đó, một số chỉ số thành phần tăng cao như: Chi phí không chính thức từ 6,55 điểm năm 2011 tăng lên 7,11 điểm năm 2022; thiết chế pháp lý từ 7,39 điểm lên 7,78 điểm.
Đây là năm thứ 18 liên tiếp, báo cáo PCI 2022 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12 nghìn doanh nghiệp (DN) đang hoạt động tại 63 tỉnh, TP trên cả nước.
Qua đó nhận diện rõ các khó khăn, thách thức mà DN đang phải đối mặt, đưa ra những khuyến nghị nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho DN, từng bước nâng cao chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, TP.
Báo cáo PCI năm 2022 cũng cho thấy những xu hướng tích cực trong cải cách ở cấp địa phương. Xu hướng thu hẹp sự cách biệt trong chất lượng điều hành giữa các tỉnh, TP rất rõ.
Cũng trong báo cáo PCI năm 2022, VCCI lần đầu giới thiệu Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) và một số kết quả phân tích về chất lượng quản trị môi trường cấp tỉnh từ góc nhìn của doanh nghiệp tại Việt Nam.
PGI là bộ công cụ để hỗ trợ chính quyền các tỉnh, TP xây dựng môi trường kinh doanh hướng tới định hướng xanh và phát triển bền vững. Hà Giang đứng thứ 17/63 tỉnh, thành phố. 4 chỉ số thành phần của PGI gồm: Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; thúc đẩy thực hành xanh; chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.
Được biết, để có sự tăng trưởng vượt bậc trên bảng xếp hạng PCI năm 2022, bắt đầu từ năm 2021, tỉnh đã tổ chức đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương. Thông qua đó giúp tỉnh nắm bắt và khắc phục những tồn tại, hạn chế cụ thể ở từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.
Các ngành, địa phương cũng coi đó là kênh thông tin quan trọng để tập trung nghiên cứu những mặt làm được, những tồn tại, hạn chế ở từng bộ phận, phòng ban chuyên môn, lĩnh vực. Từ đó xây dựng kế hoạch cải thiện, nâng cao các chỉ số thành phần để phục vụ doanh nghiệp, người dân hiệu quả, kịp thời.
Yên Minh