Trục lợi bảo hiểm là vấn đề nghiêm trọng không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn cầu, gây tổn thất lớn cho các công ty bảo hiểm. Tình trạng này không chỉ làm thiệt hại đến các công ty bảo hiểm mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng chân chính. 

Hinh VietNamNet.jpg
Ảnh minh họa hợp đồng bảo hiểm nhân thọ

Kinh nghiệm phòng chống trục lợi bảo hiểm trên thế giới

Theo thống kê trong báo cáo của Cục Điều tra Liên bang Mỹ, ngành bảo hiểm có hơn 7.000 công ty với doanh thu hàng năm vượt 1 nghìn tỷ USD. Trong một bài viết phân tích của chuyên gia được đăng tải trên tạp chí Forbes cũng nêu rằng, tình trạng trục lợi bảo hiểm đã gây thiệt hại khá lớn, chỉ riêng bảo hiểm nhân thọ đã tiêu tốn khoảng 74,4 tỷ USD mỗi năm. Các công ty bảo hiểm nhân thọ đối mặt với ba hình thức trục lợi chính: kê khai sai lệch thông tin y tế, trục lợi của đại lý và trục lợi hình sự. Khoảng 1 - 3% yêu cầu bồi thường bị điều tra vì nghi ngờ gian lận. Sự phát triển của công nghệ đang được cho là mang lại hy vọng mới trong việc phát hiện gian lận sớm thông qua các hệ thống tự động phát hiện gian lận.

Nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp khác nhau để đối phó với trục lợi bảo hiểm. Mỹ có các cơ quan chuyên trách như Văn phòng Quốc gia về Tội phạm Bảo hiểm (NICB) và Hiệp hội Quản lý Bảo hiểm Quốc gia (NAIC). Anh, Úc và nhiều quốc gia khác cũng triển khai các cơ sở dữ liệu chuyên dụng nhằm phát hiện gian lận. Các cơ chế khuyến khích cung cấp thông tin về gian lận bảo hiểm cũng đã được áp dụng rộng rãi.

Hiệp hội Quốc gia các Cơ quan Quản lý Bảo hiểm (NAIC) tại Mỹ đã đề xuất Luật mẫu V-680-1 về phòng chống gian lận bảo hiểm, điều chỉnh hành vi trục lợi của cả người tham gia bảo hiểm và các công ty bảo hiểm. Trục lợi bảo hiểm là hành vi phạm tội tại tất cả 51 bang của Mỹ. Tại Texas, mức án có thể lên đến 99 năm tù và phạt tiền lên đến 10.000 USD nếu hành vi gây thiệt hại từ 200.000 USD trở lên.

Anh áp dụng Đạo luật chống gian lận năm 2006, xử lý trục lợi bảo hiểm bằng hình thức phạt tiền hoặc phạt tù. Nếu hành vi gian lận nghiêm trọng, mức án có thể lên đến 10 năm tù. Úc coi trục lợi bảo hiểm là tội trộm cắp, với mức án lên đến 10 năm tù, tùy thuộc vào mức độ vi phạm tại các bang.

Hàn Quốc quy định rằng, nếu chủ hợp đồng bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm có hành vi gian lận, họ có thể bị phạt tù đến 10 năm hoặc phạt tiền lên đến 50 triệu won. Canada xem gian lận bảo hiểm là tội phạm nghiêm trọng và có thể bị phạt tù lên đến 14 năm.

Pháp luật xử lý hành vi trục lợi bảo hiểm tại Việt Nam

Tại Việt Nam, các quy định pháp luật xử lý trục lợi bảo hiểm đã trở nên nghiêm ngặt hơn. Kể từ năm 2015, hành vi gian lận bảo hiểm đã bị hình sự hóa trong Bộ Luật Hình sự. Hiện tại, có ba hình thức chế tài chính đối với hành vi gian lận trong bảo hiểm:

Chế tài dân sự: Nếu bên mua bảo hiểm cung cấp thông tin sai sự thật để giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền hủy hợp đồng và không bồi thường. Nếu hợp đồng bị lừa dối, hợp đồng sẽ vô hiệu và các bên phải hoàn trả những gì đã nhận.

Chế tài xử lý vi phạm hành chính: Các hành vi gian lận trong bảo hiểm có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 98/2013/NĐ-CP. Mức phạt có thể lên đến 100 triệu đồng nếu hành vi gian lận không đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chế tài hình sự: Theo Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), hành vi trục lợi bảo hiểm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm” hoặc “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 7 năm tù, và nếu vi phạm ở mức độ nghiêm trọng, có thể bị phạt tù chung thân, cùng với phạt tiền và các hình thức xử lý khác.

Các quy định này đã góp phần ngăn chặn hành vi trục lợi, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo sự công bằng trong ngành bảo hiểm.

Bích Đào