Đại diện Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh & Xã Hội) kiến nghị đưa vào Luật Trẻ em 2016, trong đó nêu rõ vai trò của cha mẹ, các cơ quan tổ chức và nhất là giới truyền thông trong việc bảo vệ thông tin riêng tư của trẻ em, ngăn ngừa nguy cơ trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng.

Ý kiến được nêu trong hội nghị cung cấp thông tin nhân quyền cho báo chí tháng 6/2016 do Cục Thông tin Đối ngoại (Bộ TT&TT) tổ chức sáng 30/6, tại Hà Nội.

{keywords}
Toàn cảnh hội nghị sáng 30/6

"Thời gian qua, báo chí đã vào cuộc rất kịp thời trong việc phát hiện những vụ việm xâm phạm quyền trẻ em. Rất hy vọng báo chí sẽ tiếp tục phát huy chức năng này, đặc biệt là đưa những điểm, quy định mới, tiến bộ của Luật Trẻ em tới với người dân, bởi người dân chưa nắm được nhiều văn bản, chính sách đã ban hành", đại diện Cục nhấn mạnh.

Tính đến nay, cả nước đã có 17.000 câu lạc bộ về quyền trẻ em hoặc câu lạc bộ trẻ em, trong đó có 42 câu lạc bộ phóng viên của 21 tỉnh, thành với sự tham gia của 2.500 thành viên chính thức. 

Dù hoạt động với những quy mô và chất lượng khác nhau, song các câu lạc bộ và nhóm trẻ em này đã tập huấn cho các em nhiều thông tin cơ bản về quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích và xâm hại trẻ em.

Các cơ quan thông tin đại chúng đã dành sự quan tâm nhiều hơn đến trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em được tiếp cận và hưởng thụ văn hóa nhân loại, được vui chơi, giải trí lành mạnh qua sách, báo, tạp chí, Internet…

Hiện cả nước có gần 20 tờ báo dành riêng cho trẻ em, hơn 50 nhà xuất bản tham gia xuất bản sách thiếu nhi và các loại sách hướng dẫn, nuôi dạy trẻ. Bên cạnh sách in, các loại sách điện tử cũng tạo sự đa dạng về các sản phẩm truyền thông cho trẻ em.

Tại hội nghị, Cục Báo chí cũng trình bày tham luận về 10 điểm mới của Luật Báo chí 2016, nêu rõ những thay đổi theo hướng "mở" hơn đối với hoạt động tác nghiệp của các cơ quan báo chí và các phóng viên trên cả nước.

Hội nghị cung cấp thông tin nhân quyền cho báo chí được tổ chức định kỳ hàng tháng để tạo sự kết nối giữa cơ quan chức năng với báo chí, cung cấp thông tin liên quan đến chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước về nhân quyền, đảm bảo phản bác các luận điệu xuyên tạc của bên ngoài về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho hay, Chính phủ đã trực tiếp khởi động cơ chế cung cấp thông tin về nhân quyền cho báo chí, do thực tế việc phối hợp tuyên truyền trong nhiều vụ việc còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời; công tác đấu tranh phản bác thông tin sai sự thật, xuyên tạc trên báo chí còn lúng túng, bị động, tính thuyết phục chưa cao...

T.C