Số lượng người dùng tiền mã hoá sẽ tăng thêm 12,37 triệu
Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ đã thúc đẩy các lĩnh vực tài chính - công nghệ phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều công cụ tài chính cũng như các hình thức giao dịch, hình thái tài sản, tiền tệ hoàn toàn mới, giúp thay đổi nhanh chóng bộ mặt kinh tế - xã hội, tác động đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực từ tài chính, thương mại, tới giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao,...
Thêo Hiệp hội Blockchain Việt Nam, tổng giá trị tiền mã hoá Việt Nam nhận về trong giai đoạn từ 10/2021 – 10/2022 là 90,8 tỷ USD, trong đó, các hoạt động bất hợp pháp là 956 triệu USD...
“Tại Việt Nam, tiền mã hóa đang là lĩnh vực chưa có quy định pháp lý rõ ràng, trong khi khối lượng giao dịch thực tế đứng thứ 15 thế giới và mức độ chấp nhận tiền mã hóa đứng đầu thế giới”, ông Phan Đức Trung Trung nói.
Xét theo địa chỉ truy cập mạng internet thì nền tảng được sử dụng nhiều nhất để giao dịch tiền mã hóa của người dùng ở Việt Nam là sàn giao dịch Binance.com, với gần 42 triệu lượt truy cập từ ngày 1/10/2021 – 1/10/2022. Nền tảng đứng thứ hai là sàn giao dịch có tên là Exness.com, với 21,89 triệu lượt truy cập trong cùng khoảng thời gian.
Dù chưa ghi nhận các vụ việc rửa tiền mã hoá tại Việt Nam nhưng đã có một công dân Việt Nam bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) phát lệnh truy nã.
Đối với thị trường tiền mã hoá trong nước, tính đến tháng 12/2022, Việt Nam có hơn 200 dự án blockchain hoạt động. Theo thống kê từ Statista, doanh thu từ các sàn giao dịch tiền mã hoá tại thị trường Việt Nam dự kiến đạt 109,4 triệu USD vào năm 2023, số lượng người dùng tiền mã hoá sẽ tăng thêm 12,37 triệu người vào năm 2027.
Với sự gia tăng nhanh chóng này, trong bối cảnh các khung quy định dành cho thị trường tiền mã hoá còn bỏ ngỏ, nguy cơ hoạt động rửa tiền mã hoá tại Việt Nam sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Bên cạnh tội phạm rửa tiền mã hoá xuyên biên giới, thì tội phạm rửa tiền truyền thống ở trong nước cũng sẽ tìm đến thị trường đầy tiềm năng này do không bị ràng buộc pháp lý.
eKYC - nhận biết khách hàng điện tử
Trong bối cảnh đó, từ đầu năm 2023, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã công bố dự án chống lừa đảo với tên gọi là ChainTracer, một trong 4 chương trình trọng điểm.
Ông Phan Đức Trung định nghĩa Regtech (Regulation technology) là các công nghệ ứng dụng vào hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ pháp lý. Ông nói: "Chúng tôi hy vọng ứng dụng Regtech sẽ đạt được hai tiêu chuẩn, thứ nhất là thỏa mãn tiêu chuẩn ứng dụng quốc tế, thứ hai là hòa nhập môi trường cơ sở dữ liệu toàn cầu, đặc biệt là eKYC - nhận biết khách hàng điện tử".
Hiệp hội Blockchain Việt Nam bước đầu tham gia Ứng dụng Regtech thông qua dự án ChainTracer. Ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) - thành viên Ban An toàn Thông tin của Hiệp hội Blockchain Việt Nam là người dẫn dắt dự án này. Đây là dự án truy vết giao dịch trên blockchain nhằm thúc đẩy hoạt động AML/CFT (chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố). Với kinh nghiệm trong ngành bảo mật và từng nằm trong danh sách các chuyên gia có đóng góp cho hãng trong tháng 5/2022, ông Hiếu hiểu rõ sự rủi ro của thị trường Web3. Theo Immunefi, chỉ trong năm 2022 đã có hơn 3 tỉ USD bị mất do nạn lừa đảo trong ngành này,
Theo ông Hiếu, các hình thức scam (lừa đảo) phổ biến là rug pull (nhà phát triển rút tiền khỏi dự án), công bố những đợt ICO/IDO/IEO (phát hành cổ phiếu dưới dạng token) giả mạo, hay dùng mã độc để tấn công nạn nhân. Do đó, Chaintracer sẽ nhận diện và cảnh báo người dùng về những cuộc tấn công như vậy.
Nền tảng ChainTracer cam kết bảo vệ nhà đầu tư bằng cách xem xét hoạt động của giao dịch trên chuỗi và tham chiếu chúng với các mô hình lừa đảo đã biết để đánh giá xem một dự án có phải là lừa đảo hay không. Nền tảng này cũng sẽ phân tích các hành vi thị trường để nhận diện lạm phát, cung cấp các bản phân tích các dự án ICO, IDO, IEO cho nhà đầu tư. dựa vào đó xác định xem dự án có gian lận hay không.