Những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW của Bộ Chính trị khoá VIII và Kết luận số 19-KL/TW của Ban Bí thư khoá XI về Hội Luật gia Việt Nam, cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm đẩy mạnh củng cố, xây dựng, phát triển tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia các cấp. Hội Luật gia Việt Nam đã có bước phát triển tích cực, hệ thống tổ chức được thành lập từ Trung ương đến cơ sở, số lượng đội ngũ hội viên tăng lên, chất lượng được nâng cao; tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính; phổ biến, giáo dục pháp luật; tư vấn, trợ giúp pháp lý; phản biện xã hội, giám sát thi hành pháp luật; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và vi phạm pháp luật..., đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, tổ chức của Hội Luật gia, nhất là ở cơ sở chưa chặt chẽ, thống nhất; một bộ phận hội viên còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, tính chủ động và tinh thần trách nhiệm chưa cao. Ở một số nơi, phương thức hoạt động chậm được đổi mới, chất lượng, hiệu quả còn hạn chế... Một số cấp uỷ, tổ chức đảng chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của Hội Luật gia Việt Nam, chưa xác định rõ tính chất, đặc thù của Hội trong hệ thống chính trị, thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Hội.
Để tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy hơn nữa vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm của Hội Luật gia Việt Nam - tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp; hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ đối với Hội Luật gia Việt Nam nhằm phát huy các cấp Hội, hội viên Hội Luật gia tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
2. Tiếp tục củng cố, kiện toàn, xây dựng Hội Luật gia Việt Nam ngày càng vững mạnh về tổ chức. Thường xuyên chăm lo xây dựng, bồi dưỡng, giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ, hội viên về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Chú trọng làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, công tác kiểm tra, giám sát hội viên trong tổ chức, hoạt động.
3. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Hội Luật gia, tập trung hướng về cơ sở, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, Điều lệ của Hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức hoạt động của các cấp Hội. Nâng cao chất lượng tham gia xây dựng pháp luật; tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giám sát việc thi hành pháp luật. Tích cực thực hiện tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, nhất là cho người nghèo, đối tượng chính sách, vùng sâu, vùng xa; tham gia công tác tiếp dân, giải quyết tranh chấp ngoài toà án, hoà giải ở cơ sở... Chủ động tham gia công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác tuyển chọn thẩm phán, kiểm sát viên, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng hội thẩm nhân dân; tham gia tư vấn công tác đặc xá, tái hoà nhập cộng đồng đối với các phạm nhân.
4. Phát huy vai trò của Hội Luật gia trong công tác đối ngoại nhân dân; tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức và cá nhân tiến bộ trong khu vực và thế giới; tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tuyên truyền giới thiệu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ra nước ngoài, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch; vận động luật gia là người Việt Nam định cư ở nước ngoài đóng góp xây dựng quê hương, đất nước. Chủ động nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về cơ sở pháp lý phục vụ cho bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, góp phần đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.
5. Đảng đoàn Quốc hội tiếp tục lãnh đạo, phát huy Hội Luật gia Việt Nam tham gia tích cực, hiệu quả công tác nghiên cứu, đề xuất, phản biện, kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
6. Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo Chính phủ sớm thể chế hoá nội dung Chỉ thị này; chỉ đạo các bộ, ngành và chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Hội Luật gia các cấp; nghiên cứu chuyển giao những dịch vụ công phù hợp với khả năng của Hội Luật gia, thực hiện cơ chế giao việc, khoán kinh phí theo quy định của pháp luật.
7. Ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ của mình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt nội dung Chỉ thị này; phối hợp với đảng uỷ cơ quan xây dựng, củng cố tổ chức Hội Luật gia ở cơ quan, đơn vị mình, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Hội và hội viên.
8. Các tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Hội Luật gia; phân công lãnh đạo cấp uỷ phụ trách Hội Luật gia. Định kỳ hoặc khi cần thiết, thường trực cấp uỷ nghe báo cáo và chỉ đạo công tác của Hội Luật gia. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc Hội Luật gia các cấp thực hiện nhiệm vụ được giao. Lãnh đạo việc xây dựng, kiện toàn tổ chức của Hội Luật gia các cấp phù hợp với yêu cầu, thực tiễn của địa phương theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tăng cường giao nhiệm vụ cho các cấp Hội Luật gia phù hợp với khả năng của từng cấp hội tham gia xây dựng và phát triển địa phương.
9. Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam giúp Bộ Chính trị đôn đốc, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.