Từ năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho một số đơn vị phát triển hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn, đặc biệt là dịch vụ Mobile money. Đây là dịch vụ thanh toán nhỏ lẻ, tiện lợi dành cho khách hàng khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chỉ cần có sóng điện thoại.
Cho tới thời điểm hiện tại, đã có gần 39.000/72.000 điểm giao dịch cung cấp dịch vụ nằm ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Trong 9 tháng đầu năm 2022, có gần 14 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ này, trong đó 37,5% khách hàng ở nông thôn với tổng giá trị giao dịch đạt 167.680 tỷ đồng.
Đối với dịch vụ Mobile money, cuối tháng 9/2022, khách hàng thí điểm là 2,34 triệu tài khoản, trong đó có 1,62 triệu tài khoản mở ở khu vực nông thôn, hải đảo, chiếm 69,23% tổng số tài khoản Mobile money. Tổng giá trị Mobile money cho đến thời điểm hiện tại có khoảng 15 triệu giao dịch với số tiền khoảng 950 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước đánh giá, các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo đã được quan tâm và đạt nhiều kết quả nhất định. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, để thực hiện mục tiêu Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 và Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước dự kiến thực hiện một số nội dung như: tập trung triển khai các giải pháp để đa dạng các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, cụ thể là phát triển các đại lý thanh toán tại vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, thời gian tới các ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi số cũng như ứng dụng các phương tiện thanh toán đa dạng và tiện ích cho khách hàng, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; cân nhắc việc ưu đãi phí đối với khu vực vùng nông thôn hoặc có thể miễn giảm thuế, ưu đãi thuế đối với các đại lý chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.
Thu Huế