Tình trạng nghèo về thông tin không những làm ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, mà còn gây thiếu hụt thông tin về đời sống kinh tế - xã hội.
Giai đoạn 2022-2024, thực hiện triển khai giảm nghèo về thông tin, các cấp, ngành ở Hà Giang đã đầu tư mua sắm mới, nâng cấp đài truyền thanh Internet tại 62 xã; đầu tư 5 điểm cung cấp dịch vụ thông tin công cộng và 2 cụm thông tin điện tử công cộng phục vụ thông tin, tuyên truyền đối ngoại tại cửa khẩu quốc tế; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho hơn 400 cán bộ thông tin và truyền thông ở cơ sở.
Hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, hấp dẫn, dễ hiểu, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, trong đó tập trung tổ chức các cuộc thi, hội thi, hội nghị, hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ truyền thông lĩnh vực giảm nghèo, đối thoại về chính sách giảm nghèo, in ấn, phát hành tờ rơi, tài liệu và các ấn phẩm, sản phẩm truyền thông;… Qua đó giúp hộ nghèo tiếp cận đầy đủ các thông tin về chính sách, dịch vụ xã hội cơ bản về dạy nghề, việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh. Hướng dẫn người nghèo chuyển đổi phương thức canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển chuỗi giá trị, bảo vệ môi trường sinh thái và phòng, chống biến đổi khí hậu...
Tương tự, để thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin, thời gian qua, cùng với việc tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở, Sở TT&TT Thái Nguyên còn phối hợp với các báo, đài phát thanh - truyền hình của địa phương tăng cường sản xuất các tin, bài có nội dung tuyên truyền chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đến với người dân.
Cùng với đó, Sở TT&TT đã lắp đặt 66 cụm loa ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông để hỗ trợ các xã xây dựng chương trình phát thanh phù hợp, tuyên truyền, phổ biến đến người dân về công tác giảm nghèo và an sinh xã hội. Tính đến nay, 168/177 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã có đài truyền thanh cấp xã, góp phần thực hiện tốt việc truyền thông giảm nghèo về thông tin.
Truyền thông hiệu quả
Giảm nghèo về thông tin là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong “bức tranh” tổng thể về chương trình giảm nghèo bền vững. Sở TT&TT tỉnh Hà Giang xác định, để chương trình giảm nghèo thực sự đi vào chiều sâu, đặc biệt nâng cao nhận thức, ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã đặc biệt khó khăn, tạo sự đồng thuận trong xã hội, truyền thông phải đi trước, là “cầu nối” đưa chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Qua đó góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, giai đoạn 2022-2024, tỷ lệ nghèo đa chiều của tỉnh giảm từ 55,12% xuống còn 36,41%, giảm 18,71%, giảm bình quân 6,24%/năm (vượt chỉ tiêu đề ra là phấn đấu hằng năm giảm bình quân 4% tỷ lệ hộ nghèo).
Bên cạnh đó, Hà Giang còn tổ chức cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025 với nội dung tập trung vào các kiến thức chuẩn nghèo đa chiều; các quy định, cơ chế chính sách về giảm nghèo bền vững; quy định của tỉnh về triển khai chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn 7 huyện nghèo...
Anh Hoàng Văn Hùng, xóm Bản Màn, xã Tân Thịnh (Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, sáng nào cũng nghe thông tin trên đài truyền thanh của xã. Qua đó, anh thấy có nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi và những việc làm nhân ái. Từ đó, anh chọn lọc những cách làm phù hợp với điều kiện của gia đình để làm theo.
Bà Bùi Thị Thu Hương, Trưởng phòng Thông tin, Báo chí, Xuất bản (Sở TT&TT Thái Nguyên) cho biết: Cùng với những giải pháp giảm nghèo thiết thực đã và đang được triển khai trên địa bàn tỉnh, giảm nghèo về thông tin cũng được xem là một giải pháp hữu hiệu. Thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu cho tỉnh thực hiện hỗ trợ việc duy trì, vận hành cung cấp dịch vụ tại các điểm cung cấp thông tin công cộng để phục vụ người dân tại những xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động của các đài truyền thanh xã; nâng cao năng lực cho cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở... Từ những việc làm này, người dân từng bước được tiếp cận, nắm bắt nhiều thông tin, kiến thức hữu ích, góp phần nâng cao dân trí, hướng đến thoát nghèo bền vững.