Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT, cơ quan này đã đề nghị các đài, đơn vị nghiên cứu hướng dẫn của Bộ TT&TT tại văn bản 3082 ngày 13/8 về tăng cường hướng dẫn phòng chống Covid-19.

{keywords}
Những đài chưa có chuyên mục hướng dẫn, phổ biến kiến thức về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe phòng chống dịch Covid-19, cần xây dựng và mở mới chuyên mục này. (Ảnh minh họa).

Các đài, đơn vị còn được đề nghị xây dựng chuyên mục; tăng cường thời lượng, tần suất phát sóng nội dung về hướng dẫn, phổ biến kiến thức chăm sóc, bảo vệ sức khỏe phòng, chống dịch Covid-19 trên sóng phát thanh, truyền hình.

Cụ thể, với các đài, đơn vị đã có chuyên mục, cần tăng cường thời lượng, tần suất phát sóng nội dung về hướng dẫn, phổ biến kiến thức chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, bảo đảm tối thiểu 3 lần/ngày; lựa chọn phát sóng vào khung giờ, thời điểm có nhiều người xem, người nghe.

Đối với những đài, đơn vị chưa có chuyên mục, cần xây dựng, mở mới chuyên mục hướng dẫn, phổ biến kiến thức chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; tăng cường thời lượng, tần suất phát sóng các chương trình về vấn đề này, bảo đảm tối thiểu 3 lần/ngày; lựa chọn phát sóng vào khung giờ, thời điểm có nhiều người xem, người nghe.

Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cũng đề nghị các đơn vị đẩy mạnh sản xuất những chương trình giải trí, lồng ghép tuyên truyền về thông điệp 5K, hướng dẫn, tư vấn sức khỏe cho người dân.

Các đài phát thanh, truyền hình cần thống kê, báo cáo số liệu những chương trình đã phát sóng trên kênh phát thanh, kênh truyền hình; đăng tải lại trên trang thông tin điện tử, các nền tảng mạng xã hội khác của đài và gửi về Cục vào ngày 25 hàng tháng.

Trước đó, tại Nghị quyết 86, Chính phủ đã giao Bộ TT&TT phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ, ngành, địa phương thống nhất đầu mối, chủ động cung cấp, xử lý thông tin kịp thời, chính xác.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường các hình thức truyền thông, tuyên truyền, truyền cảm hứng, nêu gương tốt, việc tốt, cách làm hay, mô hình hiệu quả; đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng chống dịch Covid-19.

Triển khai Nghị quyết 86, ngày 13/8, Bộ TT&TT đã đề nghị Sở TT&TT các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan báo chí cùng tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội tuyên truyền sinh động về thông điệp 5K bằng nhiều hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc điểm văn hóa vùng miền; cập nhật quy định của ngành y tế, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn; tăng cường hướng dẫn, kêu gọi người dân xây dựng các hành vi, thói quen, kỹ năng mới phòng, chống dịch bệnh.

Cùng với đó, cập nhật thông tin liên tục, chính xác từ nguồn tin chính thống của Bộ Y tế, ngành y tế, chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn. Chấn chỉnh tình trạng thông tin chưa kiểm chứng, không rõ nguồn gốc, đăng tải những hình ảnh, nội dung không phù hợp, vi phạm quy định của pháp luật về báo chí.

Đồng thời, tăng cường thông tin truyền cảm hứng, nêu gương người tốt, việc tốt, tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn; nhân rộng cách làm hay, mô hình phòng chống hiệu quả...; đổi mới hình thức tuyên truyền, sáng tạo thông điệp dễ nhớ, dễ hiểu, dễ tiếp cận; tăng thời lượng, số lượng tin bài hướng dẫn, phổ biến kiến thức về bảo vệ sức khỏe; tổ chức các chương trình tọa đàm tư vấn về y tế phù hợp.

Vân Anh

Báo chí tăng cường hướng dẫn phòng chống Covid-19, truyền cảm hứng tích cực

Báo chí tăng cường hướng dẫn phòng chống Covid-19, truyền cảm hứng tích cực

Báo chí cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, vận động, hướng dẫn, kêu gọi người dân xây dựng các hành vi, thói quen, kỹ năng mới phòng, chống dịch bệnh; truyền cảm hứng tích cực cho công tác phòng chống dịch Covid-19.