– Cái chết bi thảm của cả gia đình gồm bốn người vì tai nạn với chiếc công nông tại xã Minh Phú (Sóc Sơn, Hà Nội) khiến dân làng xa xót. Nhưng, câu chuyện về cả người bị nạn và người điều khiển phương tiện còn bi thương hơn.

Câu chuyện buồn hơn cả cái chết

Chúng tôi tìm về xóm Phú Hạ, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) khi đám tang của gia đình anh Hà Đình Cường cùng vợ và con chết vì tai nạn đâm phải chiếc công nông tối ngày 29/10 đã mồ yên mả đẹp. Thế nhưng, câu chuyện đằng sau đó mới lắm nỗi niềm.

Trong căn nhà đang xây dở dang, đám tang cùng một lúc ba người dù đã xong thủ tục cúng ba ngày, bà con lối xóm vẫn đến thăm hỏi, động viên gia đình người bị nạn. Vuông bạt xanh căng trên mảnh sân gạch lát dở; ba công trình nhà mái bằng kiên cố mới hoàn thiện phần thô…

Những tưởng, hạnh phúc muộn màng sẽ mỉm cười với người phụ nữ đã bước sang tuổi 65, mẹ của anh Cường -  người bị nạn, nhưng…

Câu chuyện của bà trong rơm rớm nước mắt: sinh được bốn người con, ba trai, một gái. Hai người con trai đầu, một vì mâu thuẫn với vợ đã nổi điên đâm chết vợ, đâm trọng thương mẹ vợ đã bị trừng trị theo pháp luật để lại hai đứa con mồ côi; một anh khác bị tai nạn giao thông đâm phải chiếc xe chở rác bị hỏng đỗ lại ven đường; một thời gian sau đến lượt chồng bà cũng bị thiệt mạng trong một vụ tai nạn giao thông khác.

Chỉ còn lại người con út, chỗ trông cậy duy nhất của cả gia đình là Hà Đình Cường, lại tiếp tục bỏ mạng cũng vì tai nạn giao thông.

Buổi chiều ngày 29/10, anh Cường đưa vợ con đến nhà ngoại dự sinh nhật một đứa cháu họ. Trên đường về gần đến nhà, qua trường mầm non xã Minh Phú thì Cường gặp nạn: xe của Cường húc thẳng vào chiếc xe công nông do anh Nguyễn Văn Lương (SN 1977, trú tại thôn Phú Hạ, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn) điều khiển.

Cường và vợ bị thương nặng đã tử vong tại chỗ. Cháu trai 6 tuổi Hà Văn Quyết đến bệnh viện thì tử vong. Nhưng, đau đớn hơn, vợ anh Cường - chị Đào Thị Thơm bị chết khi đang mang trong mình một thai nhi hơn 5 tháng tuổi.

“Chết ba mà hóa bốn, chẳng có vận hạn nào hơn vận hạn này…” – mẹ của nạn nhân rầu rĩ.

Bà lão 65 tuổi, mẹ anh Cường đã cạn nước mắt vì sau quá nhiều mất mát.
 

Chúng tôi xin lỗi gia đình trước khi bắt đầu câu chuyện, vì không ai muốn xoáy vào nỗi đau mà những thân nhân của người bị nạn đang muốn chôn chặt.

Người phụ nữ như cây chuối bị gió táp sau bao chuyện đau thương của chồng và con. Điều trông đợi duy nhất của bà bây giờ, đó là cô con gái út lấy chồng ở liền kề và hai đứa cháu nội.

Sau tai nạn thương tâm, gia đình đã lên phương án đưa ba người xấu số đi hỏa táng, và làm gọn ghẽ trong sáng ngày 30/10 vừa qua. Mấy cụ bà hàng xóm láng giềng, là chị em của bà ngày nào cũng đến nhà động viên, hãy cố gắng xua đi chút lạnh giá bao trùm lên ngôi nhà bây giờ dường như đã quá trống trải.

Hôm diễn ra đám tang gia đình anh Cường, mọi người trong dòng họ đã lên kế hoạch đón hai đứa cháu đang được nuôi dưỡng tại làng trẻ SOS về chịu tang chú thím, và để đáp từ bà con đến thắp nhang phúng viếng. Trọn lễ cúng ba ngày, hai cháu lại trở về trường.

Khi chúng tôi có mặt vào sáng ngày 1/11, một người đàn ông trung tuổi người gầy rộc, lưng hơi gù, khuôn mặt xanh xao đầy trăn trở, suy nghĩ…

Ông ngồi xo ro trên chiếc ghế nhựa, dưới vuông bạt xanh không phủ kín mảnh sân, bị gió lùa lật phật. Ngồi trầm tư một lúc, ông đứng dậy cáo lỗi ra về. Đó là bố của anh Nguyễn Văn Lương – người điều khiển chiếc công nông đầu dọc liên quan đến vụ tai nạn xảy đến cái chết thương tâm cho cả gia đình anh Cường.

Câu chuyện bi thương về gia đình anh Lương được chính các cụ (là chị em với mẹ anh Cường) kể chuyện: nhà Lương có bốn anh em, hai trai hai gái. Đứa em trai út bị nghiện vừa mới vào trại cai; một anh rể cũng dính vào vòng khói trắng. Chỉ còn lại một mình Lương là trụ cột trong gia đình, vừa nuôi bố mẹ, vợ con, vừa lo tiền tiếp tế cho hai người nghiện trong trại.

Chuyện nhà lo chưa xong thì đùng một cái xảy ra chuyện đáng tiếc này.

“Khổ thằng Lương, nó là đứa hiền lành, chịu khó nhất nhà chứ nào có chơi bời nghịch ngợm với ai…” – một cụ chép miệng.

Chuyện về cái đầu ngang

Minh Phú là một trong nhiều xã của Sóc Sơn nằm ở vùng bán sơn địa, các xóm làng xen kẽ với vùng đồi núi thấp. Khi cơn sốt đất đi qua Sóc Sơn, cả xã Minh Phú đâu lại vào đấy: nhà nào tranh thủ bán được ít đất coi như có ít tiền làm vốn; người chưa bán được thì lại chỉn chu, cần mẫn với mảnh ruộng, mảnh đồi.

Gia đình anh Hà Đình Cường vừa bán được đất nên có ít tiền, mẹ của anh mới tính chuyện xây cho mỗi đứa con một dinh cơ, và xây cho hai đứa trẻ mồ côi cha mẹ một căn nhà, đợi các cháu khôn lớn thì sẽ đón về.

Dọc những con đường đất vào các thôn xóm của Minh Phú, chúng tôi gặp nhiều xe công nông phành phạch nổ máy. Đó là những phương tiện chuyên chở phổ biến ở Sóc Sơn, nhất là khi địa phương này có rất nhiều lò gạch.

Câu chuyện ái ngại trên được chúng tôi chia sẻ với lãnh đạo xã Minh Phú. Anh Dương Mạnh Dung, phó công an xã vẫn chưa hết bàng hoàng: “Hôm xảy ra tai nạn, anh em trắng đêm trực ở hiện trường. Kể ra thì lại bảo mê tín dị đoan, nhưng thật kinh hoàng, đến mức sáng nay đi họp giao ban, có đồng chí công an viên đi qua chỗ đó (nơi xảy ra tai nạn) vẫn còn giật mình…”.

Những chiếc công nông đầu ngang, đầu dọc vẫn phành phạch khắp đường thôn, ngõ xóm Minh Phú.
 

Có rất nhiều chi tiết trong câu chuyện của anh Dung, có những chi tiết chúng tôi không dám nhớ, bởi tất cả, nó vẫn là câu chuyện bi thương rụng rời.

Anh Dung cho biết: khi xảy ra sự việc, anh Lương điều khiển xe công nông đi từ hướng ủy ban xã đi ra. Vì xe không có đèn nên anh phải nhờ một người khác đi xe máy dẫn đường.

Thế nhưng, người dẫn đường này lại đi trước một đoạn nên khiến anh Cường không nhận ra chiếc công nông chạy đằng sau, nên đâm trực diện gây tử vong cho cả hai vợ chồng tại chỗ.

Anh Nguyễn Văn Hân, phó chủ tịch UBND xã Minh Phú thật thà: cả xã có 10 lò gạch và hơn chục chiếc công nông. Dù biết đây là phương tiện cấm lưu thông, nhưng ở các xã vùng sâu xa như Minh Phú, nó là “cái chân cái tay” của bà con.

Anh bảo, bây giờ mua vật liệu cát sỏi người ta chỉ đổ ở mép đường cái, nếu chở xe bò kéo tay vào nhà thì cũng mất thời gian công sức, cho nên công nông là giải pháp tình thế và là phương tiện giải phóng sức lao động cho con người.  

Nói thật, ngay cả chương trình xây dựng nông thôn mới, bao nhiêu đường sá, kênh mương phải cần chở gạch đá cát sỏi, xã cũng phải thuê công nông để vận chuyển.

Theo anh Hân, vài năm trước toàn xã có trên 50 xe công nông. Sau đó, theo chủ trương chỉ đạo cấm các phương tiện thô sơ này, Sóc Sơn mở chiến dịch trên nhiều cụm xã, số lượng xe công nông giảm đáng kể, nay Minh Phú chỉ còn khoảng chục cái.

“Nếu trên chỉ đạo chiến dịch tiếp, thì chúng tôi lại làm” – anh Hân cho biết.

Tuy nhiên, cũng chính anh PCT xã Minh Phú, khi bàn về bốn cái chết thương tâm mới đây, cũng lắc đầu: “Chết cái là nó (xe công nông) không có đèn, và khi phanh thì nó không dừng lại ngay, mà còn trôi thêm một đoạn nữa!”.

Câu chuyện ở Minh Phú cứ buồn mãi như thế...

Thủy Đình