Năm 2014 là năm thứ 4 Việt Nam thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015. Trong năm 2014, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam diễn ra trước bối cảnh thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn so với dự báo. Xung đột mâu thuẫn xảy ra ở nhiều nơi đặc biệt căng thẳng trên biển Đông. Trước tình hình đó, mặc dù thống kê cho thấy kinh tế Việt Nam đã xuất hiện dấu hiệu phục hồi, nhưng năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn chưa mấy được cải thiện.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Nhìn lại chặng đường đã qua

Theo số liệu do Tổng Cục Thống kê công bố, năm 2014 là năm đầu tiên trong kế hoạch 5 năm (2011-2015) kể từ 2011 đến nay, tăng trưởng kinh tế không chỉ về đích mà còn vượt kế hoạch. So với kế hoạch chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 5,8% mà Quốc hội đưa ra thì năm 2014 đạt 5,98% quả là con số đáng mừng cho nền kinh tế Việt Nam. Mức tăng trưởng năm 2014 cao hơn mức tăng trưởng 5,25% của năm 2012 và 5,42% của năm 2013 cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế trước bối cảnh chính trị có nhiều bất ổn khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế lãnh thổ Việt Nam. Mức tăng trưởng có dấu hiệu hồi phục này đã giúp cho nền kinh tế vĩ mô có được sự ổn định - mục tiêu mà Việt Nam theo đuổi trong nhiều năm nay, đặc biệt là sau khi lạm phát lên tới trên 20% trong năm 2008 - năm đầu tiên Việt Nam chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Con số tăng trưởng 5,98% được Tổng Cục Thống kê chính thức công bố đã khiến giới chuyên gia không khỏi bất ngờ.

{keywords}

Hình 1: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2004-2014 (đơn vị: %). Nguồn: Tổng Cục Thống kê 2014

Hình 1 minh họa tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam qua các năm kể từ năm 2004. Kết quả cho thấy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2007 có mức tăng cao nhất và năm 2009 có mức tăng thấp nhất. Năm 2007 là năm đầu tiên Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO nên có nhiều cơ hội cũng như điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế, các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế đều được hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong năm 2007, Việt Nam được xếp vào hàng các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực. Trước tình hình khủng hoảng tài chính thế giới nổ ra năm 2008, nền kinh tế Việt Nam cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng đó. Ở giai đoạn này, mức tăng GDP luôn thấp hơn 7% và ngày càng đi xuống, đến năm 2012 chỉ còn 5,25%, chưa bằng hai phần ba so với mức trước khủng hoảng. Trong khi đó, trước thời điểm khủng hoảng, Việt Nam luôn được coi là một trong những điểm sáng trên bản đồ kinh tế toàn cầu với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,8%/ năm.

Những biến động kinh tế giai đoạn vừa qua cũng được phản ánh trong bức tranh toàn cảnh Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (Bảng xếp hạng VNR500). Theo thống kê của Vietnam Report, tổng doanh thu của nhóm doanh nghiệp VNR500 tăng dần qua các năm công bố. Đáng lưu ý, trong giai đoạn 2009-2010 và 2011-2012, tăng trưởng tổng doanh thu có dấu hiệu giảm tốc (năm 2009-2010 là 7,8%, năm 2011-2012 là 4,3%). Sang năm 2013-2014, kinh tế Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, tổng doanh thu của nhóm doanh nghiệp VNR500 cũng dần ổn định hơn với tốc độ tăng tương ứng trung bình 15%/năm.

{keywords}

Hình 2: Biến động tổng doanh thu toàn Bảng xếp hạng VNR500 qua các năm công bố (đơn vị: tỷ VND). Nguồn: Vietnam Report

Mặc dù kinh tế Việt nam có dấu hiệu phục hồi tăng trưởng, nhưng khi xem xét cơ cấu GDP theo thành phần kinh tế thì thấy doanh nghiệp tư nhân đóng góp chỉ khoảng trên dưới 10% và không thay đổi trong suốt từ năm 2005 - 2013. Trong khi đó, thành phần kinh tế cá thể đóng góp nhiều nhất vào GDP, chiếm khoảng 32% từ 2007 - 2013. Điều này phần nào cho thấy nền kinh tế hiện nay khá manh mún và phát triển nhỏ lẻ.

Năng suất lao động của Việt Nam liên tục tăng trong thời gian qua, bình quân đạt 3,7%/năm trong giai đoạn 2005 - 2014, góp phần thu hẹp dần khoảng cách so với năng suất lao động của các nước trong khu vực. Năm 2012 tăng 3,05%, năm 2013 tăng 3,83%, năm 2014 tăng 4,34%, chủ yếu do chuyển dịch cơ cấu lao động từ ngành nông nghiệp có năng suất lao động thấp hơn sang các ngành công nghiệp, dịch vụ có năng suất lao động cao hơn. Trong đó năng suất lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,4%, công nghiệp và xây dựng tăng 4,3%, dịch vụ tăng 4,4%. Tuy nhiên, hiện nay năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore; bằng 1/6 của Malaysia; bằng 1/3 của Thái Lan và Trung Quốc.

Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2015

Theo dự báo của IMF, nền kinh tế thế giới năm 2015 sẽ phục hồi mạnh hơn, tăng trưởng toàn cầu được dự báo là 4% tăng 0,6 điểm phần trăm so với dự báo tăng trưởng năm 2014. Song bên cạnh đó tình hình chính trị vẫn còn nhiều biến động: cuộc khủng hoảng và cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo IS ở Trung Đông, cấm vận của phương Tây với Nga... sẽ tác động đến nền kinh tế toàn cầu.

Sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2014 là cơ sở quan trọng để các chuyên gia kinh tế thống nhất quan điểm và đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6,2% trong năm 2015 là hợp lý. Trong năm 2015, Việt Nam sẽ sớm thực hiện các cam kết theo các Hiệp định mới ký kết gồm: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan. Đồng thời, tiếp tục đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, qua đó tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP năm 2015. Việc thực thi các hiệp định thương mại trong thời gian tới sẽ khiến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2015 tăng mạnh hơn so với năm 2014.

Ngày 27/01/2015, tại Trung tâm Hội Nghị Quốc Gia, TP.Hà Nội, Ban tổ chức chương trình VNR500 gồm: Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) và Báo VietnamNet sẽ chính thức tồ chức Buổi Lễ Công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2015. Đây là năm thứ 8 liên tiếp, Bảng xếp hạng VNR500 được công bố để ghi nhận một cách khách quan thứ hạng và vị thế của doanh nghiệp cũng như vinh danh những doanh nghiệp có đóng góp to lớn cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong năm qua.

Hoàng Trung