– Chính phủ đã chấp thuận với chủ trương và phương án tăng viện phí do liên Bộ Y tế - Tài chính – LĐTB&XH đề xuất. Dự kiến đến cuối tháng 2, đầu tháng 3 thông tư về điều chỉnh giá viện phí sẽ được ban hành. Dự kiến đến tháng 5, giá viện phí mới sẽ được áp dụng.

TIN LIÊN QUAN:

>> Tăng viện phí: Dân băn khoăn, viện vui mừng
>> Tăng viện phí xong, không được thu thêm tiền
>> Tăng viện phí, tiền khám chữa bệnh tăng 26%

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Y tế cần tính toán để đảm bảo cân đối quỹ BHYT (theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì tăng giá viện phí sẽ khiến quỹ BHYT phải chi thêm từ 6.000 – 7.000 tỷ đồng/năm).

Việc tăng giá viện phí sẽ tác động mạnh đến nhóm bệnh nhân chưa có BHYT và người nghèo (phải đồng chi trả 5%). Vì vậy, trong thông báo của văn phòng Chính phủ thì khi tăng viện phí, đối với nhóm người nghèo, diện gia đình chính sách vẫn duy trì đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (từ mức 5 đến 20%).

Nếu mức đồng chi trả lớn, cần nghiên cứu để có biện pháp hỗ trợ của Nhà nước, giúp các nhóm này giảm bớt khó khăn. Đây là nhóm được cho là sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất từ việc tăng giá dịch vụ y tế lần này, do vậy Chính phủ đề nghị có thể hoàn lại một khoản kinh phí trong số 5% phí khám bệnh bảo hiểm mà họ phải chi trả.

Từ tháng 5 sẽ áp dụng giá viện phí mới (Ảnh: Cẩm Quyên)

Việc tăng viện phí lần này được áp dụng cho hơn 400 dịch vụ, kỹ thuật (cao hơn mức 350 dịch vụ so với dự thảo trước đây bởi có những dịch vụ chưa có trong danh mục).

Mức điều chỉnh giá viện phí theo thông tư mới cao hơn mức giá ban hành theo thông tư liên Bộ số 14 năm 1995 và một số dịch vụ ban hành năm 2006 của Bộ Y tế từ 2-5 lần, có những dịch vụ tăng hơn 10 lần. Đặc biệt, khoảng cách tối thiểu – tối đa về giá của một dịch vụ y tế đã được thu hẹp (chỉ dao động trong khoảng 5%, thay vì 100-300% như trước đây để tránh tận thu của bệnh nhân).

Việc tăng giá viện phí được Bộ Y tế, lãnh đạo các bệnh viện và phía BHXH VN cho rằng sẽ có lợi cho cả bệnh viện và người bệnh BHYT (mức giá mới sẽ được quỹ BHYT thanh toán), chấm dứt tình trạng “phụ phí”.

Với mức giá cũ (đã quá lạc hậu), người bệnh phải tự bỏ tiền túi ra để bù vào phần chênh lệch giá. Trong khi đó, các bệnh viện có thêm nguồn thu để bù đắp chi phí vận hành, hoạt động, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Song song với việc tăng viện phí, BHXH VN cũng đề xuất tăng mức phí tham gia BHYT từ 4,5/tháng lương tối thiểu lên mức 5%/tháng lương tối thiểu để tránh tình trạng vỡ quỹ.

Cẩm Quyên