Chiều 20/6, Quốc hội nghe Chính phủ trình và thảo luận ở tổ về Dự án Luật Địa chất và khoáng sản.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, sau 13 năm thi hành Luật Khoáng sản năm 2010, nhiều chính sách quan trọng vẫn còn nguyên giá trị và được tiếp tục kế thừa.

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi Luật vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đơn cử như thủ tục hành chính cấp phép về khoáng sản làm vật liệu san lấp còn phức tạp; chưa phân loại các đối tượng khoáng sản để áp dụng thủ tục hành chính tương ứng, phù hợp (thủ tục của mỏ đất san lấp phải thực hiện như một mỏ vàng). Việc thu tiền cấp quyền khai thác theo trữ lượng khoáng sản còn gặp nhiều bất cập như tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo trữ lượng khoáng sản được phê duyệt chưa đảm bảo tính chính xác; thu tiền cấp quyền khai thác trước khi tiến hành khai thác không tạo điều kiện cho Doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ bản mỏ. Trường hợp khai thác không đủ trữ lượng được cấp phép hiện chưa có quy định việc hoàn trả tiền cấp quyền.

W-khoangsan.png
Ảnh minh hoạ

Bộ trưởng nêu rõ, một số điểm mới của dự thảo Luật gồm: quy định về điều tra cơ bản địa chất; phân nhóm khoáng sản; tăng cường phân công, phân cấp cho chính quyền địa phương; bổ sung và làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản, đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV không phải cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; bổ sung các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không phải có Quy hoạch khoáng sản (khai thác khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ, thu hồi khoáng sản, khai thác tận thu khoáng sản); khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, khai thác khoáng sản lòng sông, lòng hồ, ở khu vực biển không phải lập Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản nhưng phải thực hiện Phương án đóng cửa mỏ khoáng sản; công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng…

Dự án Luật cũng đề cập tăng cường quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển; cho phép tổ chức, cá nhân thế chấp, góp vốn quyền khai thác khoáng sản; ưu tiên tổ chức, cá nhân đang khai thác hợp pháp được thăm dò xuống sâu, mở rộng để đánh giá đầy đủ, khống chế hết thân khoáng sản đối với loại khoáng sản được cấp phép mà không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản…

Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy nhấn mạnh, Ủy ban cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật.

Ủy ban cũng nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, việc kinh doanh chế biến khoáng sản độc lập không gắn với khai thác khoáng sản không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Tuy nhiên, đề nghị rà soát tránh khoảng trống pháp lý, ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách phát triển ngành công nghiệp chế biến khoáng sản; nghiên cứu, bổ sung nội dung liên quan đến chế biến, sử dụng khoáng sản tại các quy định về chính sách của nhà nước đối với địa chất, khoáng sản; chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; chế biến khoáng sản.

Ông Lê Quang Huy đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu giải trình, tiếp thu các ý kiến, tránh khoảng trống pháp lý dẫn đến sai phạm, thất thoát, lãng phí. Ngoài ra, quy định phân nhóm khoáng sản cần lưu ý các vấn đề liên quan đến một số khoáng sản như than, quặng phóng xạ, titan, bauxit và mối quan hệ giữa than, dầu và khí, đá phiến…               

Thảo luận tại tổ, các đại biểu đều nhất trí sự cần thiết ban hành 2 dự án luật trên. Đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) nêu quan điểm: Để hoàn thiện Dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, cần chú trọng nội dung tiếp cận thông tin quy hoạch. Tại Điều 52 Dự thảo Luật chưa có quy định về tiếp cận thông tin quy hoạch. Hiện nay, việc đăng tải thông tin quy hoạch vẫn còn một số địa phương chưa công bố đồng đều, chưa tạo điều kiện thuận lợi tối đa để người dân tra cứu. Do đó, đề nghị bổ sung vào Dự thảo Luật quy định rõ việc công khai quy hoạch trên cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước phải được đăng tải đầy đủ như: quyết định, bản đồ, thuyết minh của tất cả các đồ án quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể, điều chỉnh cục bộ… Đồng thời, cần quy định bản chụp phải rõ ràng, độ phân giải đủ để nhìn rõ các thông tin trong bản đồ quy hoạch.

Liên quan đến khu vực đấu giá, không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tổng kết 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản 2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 440 giấy phép khai thác nhưng chỉ có 10 khu vực thông qua đấu giá. UBND cấp tỉnh cấp khoảng 3.000 giấy phép, trong đó chỉ có 827 khu vực thông qua đấu giá. Các mỏ khoáng sản đưa vào đấu giá tăng 20 - 40% so với giá khởi điểm. Như vậy, việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản mang lại hiệu quả cao, tăng thu cho Nhà nước nhưng tỷ lệ cấp phép khai thác thông qua đấu giá rất thấp, mục tiêu chính sách với chế định đấu giá quyền khai thác khoáng sản không đạt được. Trong khi đó, có nhiều doanh nghiệp tư nhân muốn được khai thác khoáng sản từ việc tiếp nhận lại các mỏ đã được doanh nghiệp Nhà nước thăm dò và phê duyệt trữ lượng.

Các ĐB cho rằng, việc huy động được nguồn lực xã hội vào khai thác khoáng sản là rất quý, góp phần sử dụng hiệu quả tài sản quốc gia, nhanh chóng trả lại quỹ đất cho địa phương để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên khi có nhiều đơn vị quan tâm, Nhà nước không có cơ chế lựa chọn phù hợp thì sẽ tạo ra cơ chế “xin - cho”, dẫn đến rủi ro pháp lý cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Do đó, việc lựa chọn doanh nghiệp đủ năng lực để cấp quyền khai thác khoáng sản thông qua đấu giá sẽ tạo môi trường kinh doanh công bằng cho các doanh nghiệp, nhằm tăng thu cho nguồn ngân sách nhà nước. Các ĐB đề nghị đánh giá kỹ nội dung này để bảo đảm khai thác hiệu quả nguồn khoáng sản, bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo điều kiện cho các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội.