Giun đất (địa long), đóng vai trò quan trọng với thổ nhưỡng. Số lượng giun đất tăng lên là chỉ số cho thấy an toàn lương thực được bảo đảm. Việc giun đất xuất hiện trong đồng ruộng cũng là chỉ số về an toàn trồng trọt. Trong đông y, giun đất chính là vị thuốc quý được sử dụng hàng ngàn năm này.
Mặt hàng này trên thị trường có giá vô cùng đắt đỏ. Theo đó, kích điện tận diệt giun đất ngoài tự nhiên diễn ra rầm rộ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đất và cây trồng. Hành động này khiến các nhà vườn bất an, cơ quan chức năng đang tìm cách xử lý.
Ở nước ta, trùn quế cũng là một loại giun có nhiều công dụng tốt. Song, thay vì khai thác ngoài tự nhiên, người nông dân ở nhiều địa phương lại tạo ra những “vương quốc triệu giun” của riêng mình. Nhờ đó, họ có thể thu về tiền tỷ mỗi năm.
Cách đây gần 20 năm, bà Nguyễn Thị Liên ở xã Phú Cường (Sóc Sơn, Hà Nội) đã mày mò nuôi giun quế để làm thức ăn cho lợn, gà. Trong khu trại rộng khoảng 1.000m2, bà tạo ra vương quốc hàng triệu con giun quế với những ô chuồng vuông chằn chặn.
Lật tấm bạt được cắt ra từ những chiếc tải cũ, bà Liên cho biết, bên dưới lớp bao tải cũ phân bò được công nhân thu mua, bỏ vào đây làm thức ăn cho giun ăn. Giun nuôi khoảng 1 tháng có thể thu hoạch được.
Mỗi ngày bà Liên bắt hàng vạn con giun quế đem xay nát làm thức ăn cho lợn, gà. Nhờ đó, đàn vật nuôi của bà sức đề kháng tốt, cho chất lượng thịt thơm ngon, bán với giá cao ngất ngưởng. Ở thời điểm năm 2015, những con lợn nuôi bằng giun quế của bà còn được khách xếp hàng đặt mua với giá 10 triệu đồng/con, cao gấp đôi giá thị trường.
Những năm gần đây, vương quốc giun quế của bà Liên được mở rộng. Giun thu hoạch được chế biến dưới nhiều dạng như: sấy khô, dịch giun, phân giun, bột giun quế sấy khô, giun quế đông lạnh… Đặc biệt, giun quế còn là thực phẩm và thuốc chữa bệnh rất hiệu quả.
Những sản phẩm từ giun quế mang lại cho bà Liên doanh thu khoảng 6 tỷ đồng một năm.
Ở xã Thân Cửu Nghĩa (Châu Thành, Tiền Giang), sau vài năm vừa làm vừa đúc kết kinh nghiệm, anh Nguyễn Công Vinh đã sở hữu hơn 100 ha (trong đó có trang trại liên kết với người dân) nuôi giun quế trải khắp các tỉnh miền Tây, mở công ty giá trị tài sản hơn 40 tỷ đồng.
Bình quân mỗi tháng trang trại của anh Vinh xuất bán khoảng 1.700-1.800 tấn phân trùn quế với giá từ 4-5 triệu đồng/tấn; 5-6 tấn trùn thịt, giá từ 50.000-60.000 đồng/kg. Ngoài ra, anh còn bán trùn giống và nhiều sản phẩm độc quyền khác do anh sản xuất từ phân trùn quế. Trừ hết chi phí, mỗi tháng anh Vinh thu lãi 500-600 triệu đồng.
Hiện, các mô hình nuôi giun quế ngày càng phổ biến ở nước ta. Theo đó, nuôi ở quy mô nhỏ có thể cho thu hàng trăm triệu mỗi năm, nhiều mô hình lớn cho thu tiền tỷ, thậm chí cả vài tỷ đồng mỗi năm.
Giun quế, phân giun quế đều được sử dụng trong nông nghiệp, mang lại giá trị cao và đang trở thành xu hướng trong nông nghiệp tuần hoàn.
Nhìn từ mô hình nuôi giun quế đem lại giá trị kinh tế cao, giải quyết được chất thải trong chăn nuôi, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, giun đất cũng có thể nuôi như giun quế.
Trao đổi với PV. VietNamNet, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng cho biết, giun quế ăn phân động vật, còn giun đất ăn mùn hữu cơ. Tuy đặc tính có khác nhau, song ông khẳng định giun đất vẫn có thể nuôi được.
"Nhưng nuôi giun đất hay bất cứ con gì khác đều phải nắm được đặc tính sống của chúng", ông Hùng nói và lưu ý, với con giun đất cần phải chú ý tạo môi trường sống ẩm ướt, chúng ăn cái gì và sinh sản ra sao cũng cần nắm bắt rõ. Giải quyết được 3 vấn đề này, chúng ta có thể nuôi giun đất thành công.
Trước đó, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cũng gợi ý, nếu thị trường có nhu cầu cao, chúng ta hoàn toàn có thể nghiên cứu mở hướng chăn nuôi giun đất thương phẩm.
Theo ông, giun đất là sinh vật bản địa, không thuộc hàng quý hiếm, có thể nuôi trồng quy mô lớn. Ở Trung Quốc cũng đã có những mô hình nuôi giun đất cho thu nhập cao.
Nước ta hiện nay chưa có mô hình nào nuôi giun đất, nhưng rất nhiều mô hình đã nuôi thành công giun quế phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Do đó, việc nuôi giun đất theo ông không phải chuyện quá khó. Song, cần nghiên cứu kỹ để có quy trình nuôi sao cho giun sinh sản nhanh, sản lượng cao, đảm bảo thu nhập cho người dân.
Nuôi thành công sẽ có nguồn giun đất cung cấp cho thị trường đều đặn, môi trường đất được bảo vệ. Quan trọng hơn, tình trạng tận diệt giun đất ngoài tự nhiên bằng cách kích điện như hiện nay cũng sẽ giảm dần, ông Cường nhận định.