Xã Văn Phú là nơi có đông đồng bào Cao Lan sinh sống, đặc biệt tại thôn Khe Thuyền 3, tất cả hộ dân đều là đồng bào Cao Lan. Với bà con vùng đất khó này, rừng là bạn. Tuy nhiên, đối với bà con, thu nhập tốt từ trồng rừng, chăn nuôi từng như là giấc mơ.
Nhưng giấc mơ đó nay đã thành hiện thực nhờ các chương trình can thiệp giảm nghèo, không chỉ hỗ trợ vốn, mô hình sinh kế mà tác động mạnh mẽ, đột phá tới tư duy của người dân.
Là một trong những hộ gia đình thụ hưởng chính sách giảm nghèo, anh Lý Văn Thể cho biết trước đây, gia đình anh và đa phần người dân ở thôn chỉ canh tác ngô, lúa nên thu nhập rất thấp. Cuộc sống quanh quẩn khó khăn dù đã nỗ lực mưu sinh.
Nay anh và bà con được xã, huyện tạo điều kiện thuận lợi về cây, con giống, khoa học kỹ thuật để trồng rừng và nuôi dê. Dần dần, gia đình anh và nhiều nhà đã có "của ăn của để". Bản thân gia đình anh đã thoát nghèo. Không chỉ phát triển kinh tế nhờ rừng, chăn nuôi dê, người dân trong thôn anh Thể còn mạnh dạn đưa cây dâu tằm vào trồng, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế.
Ở xã Tam Đa (Sơn Dương), anh Đỗ Văn Tuyên được biết đến là người vươn lên thoát nghèo nhờ được thụ hưởng chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi. Với 50 triệu đồng tiền vốn được cho vay, anh tập trung phát triển chăn nuôi, trồng rừng.
Thành quả đạt được không chỉ tăng thu nhập, anh còn tự sửa chữa để có được căn nhà khang trang, kiên cố. Người đàn ông này chia sẻ ý chí, nhận thức, tư duy thay đổi, thêm sự hỗ trợ của chính quyền, cộng đồng sẽ là động lực để bà con yên tâm phấn đấu làm ăn, tích lũy, thoát nghèo.
Tại xã Lương Thiện (Lương Sơn), nhiều người dân thoát nghèo nhờ trồng rừng. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự chủ động của người dân, đến đầu năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 41 triệu đồng/người/năm. Năm 2024 xã có kế hoạch giảm số hộ nghèo xuống dưới 11%, nâng mức thu nhập trên 45 triệu đồng/người/năm.
Ông Triệu Văn Đoan, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân Thượng của xã Lương Thiện, cho biết hướng phát triển kinh tế chủ yếu của người dân trong thôn hiện nay là trồng rừng với tổng diện tích khoảng 330ha. Nhờ trồng rừng, nhiều hộ dân trong thôn xây được nhà ở khang trang, vươn lên thoát nghèo, thậm chí làm giàu. Đến nay, thôn có 65/79 hộ có nhà xây kiên cố. Năm 2023 thôn có 8 hộ thoát nghèo. Năm 2024, thôn còn 25 hộ nghèo, phấn đấu đến cuối năm nay sẽ có thêm 5 hộ thoát nghèo.
Tại huyện Sơn Dương, mô hình chăn nuôi gà ở xã Hợp Hoà là điểm sáng. Trước đây, các gia đình nuôi gà nhưng số lượng ít và theo cách truyền thống nên hiệu quả không cao.
Tham gia mô hình chăn nuôi gà tuần hoàn, 7 thành viên trong thôn Thanh Sơn liên kết với nhau thành nhóm chăn nuôi gà đồi Thanh Sơn. Các hộ thành viên được hỗ trợ giống tốt, xây dựng chuồng trại thoáng mát và được hướng dẫn quy trình chăn nuôi nên gà sinh trưởng nhanh. Tất cả thành viên phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình, có ghi chép nhật ký sản xuất, chỉ sử dụng chế phẩm được chiết xuất từ thảo dược...
Mô hình chăn nuôi gà này tận dụng chất thải phân gà, ủ phân để bón cho nhiều cây trồng như mít, ổi, na và một số cây thảo dược như cỏ lào, khôi tía, khôi trắng, tía tô, khổ sâm, xuyến chi, xả, đinh lăng… Các loại cây này sẽ được sử dụng làm thức ăn cho gà theo hướng tuần hoàn. Hiện nay, lượng phân bón từ trại gà cung cấp cho vườn cây còn dư còn có thể cung cấp cho các hộ dân trong vùng, tạo thêm thu nhập.
Cũng triển khai mô hình chăn nuôi gà giúp tăng thu nhập, tạo điều kiện tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo hướng đa chiều, xã Kháng Nhật và Hợp Thành được lựa chọn triển khai liên kết chăn nuôi gà an toàn sinh học hướng tới xây dựng thương hiệu.
Tham gia mô hình có 12 hộ, mỗi hộ nuôi 500 con giống gà mía lai, liên kết với nhau thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi. Đến đầu năm 2024, sau hơn 3 tháng nuôi, đàn gà của 12 hộ tham gia mô hình đều sinh trưởng phát triển tốt với tỷ lệ nuôi sống đạt từ 95% trở lên, trọng lượng xuất chuồng đạt từ 1,8 - 2 kg/con.
Ngay từ những ngày đầu tham gia mô hình, các hộ chăn nuôi đã được cán bộ khuyến nông tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, phòng trừ dịch bệnh, nhận hỗ trợ 70% kinh phí mua con giống, thức ăn, vắc xin phòng bệnh và hóa chất khử trùng. Tất cả các khâu từ đều phải tuân thủ theo hướng dẫn và được các cán bộ kỹ thuật giám sát chặt chẽ.
Để lo đầu ra sản phẩm, Trung tâm Khuyến nông đã giới thiệu các hộ tham gia mô hình ký hợp đồng liên kết bao tiêu gà mía thương phẩm với một số đơn vị trên địa bàn tỉnh theo giá thảo thuận. Nhờ việc liên kết và thành lập tổ hợp tác, gần như toàn bộ đàn gà của 12 hộ đã có người đứng ra làm đầu mối, kết nối với thương lái nên giá cả ổn định. Điều này giúp các hộ tự tin để tiếp tục chăn nuôi.