Trong 35 năm xây dựng và phát triển vừa qua, nhất là sau khi Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 3/2006, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã có những bước phát triển sâu rộng. PVN thể hiện tốt vai trò đầu tầu kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh quốc phong và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.



Mục tiêu chiến lược là xây dựng PVN sớm trở thành tập đoàn dầu khí quốc gia năng động, có năng lực cạnh tranh ở trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh hoạt động và tập trung đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi như: thăm dò, khai thác, lọc hóa dầu, sản xuất điện khí và dịch vụ kỹ thuật dầu khí, gia tăng giá trị tài nguyên dầu khí trong nước, gia tăng nguồn tài nguyên từ nước ngoài…

Lĩnh vực tìm kiếm thăm dò dầu khí

Đây là lĩnh vực cốt lõi được ưu tiên tăng tốc làm đòn bẩy cho các lĩnh vực khác phát triển. Đẩy mạnh đầu tư tìm kiếm, thăm dò và khai thác trong nước, trong đó dành tỉ lệ tham gia cao nhất có thể tại các bể Cửu Long, Nam Côn Sơn, Malay-Thổ Chu, Sông Hồng… Tích cực đầu tư tìm kiếm thăm dò tại các mỏ thuộc vùng nước sâu, xa bờ như Nam bể Sông Hồng, Tây Hoàng Sa, Đông bể Phú Khánh, Đông bể Nam Côn Sơn, Tư Chính – Vũng Mây và Trường Sa.

Bên cạnh đó, PVN cũng tích cực tìm kiếm đối tác chiến lược, đầu tư thích hợp để mở rộng hoạt động dầu khí ra nước ngoài, kết hợp giữa mua tài sản và hợp đồng tìm kiếm, thăm dò nhằm tập trung đầu tư 2 – 3 “khu vực trọng điểm” trong vòng 7 – 10 năm tới, đảm bảo tổng sản lượng trong nước và được chia của PVN từ các hợp đồng dầu khí quốc tế đạt mức ổn định trên 32 triệu tấn quy dầu/năm từ 2015.

Chế biến, phân phối dầu khí


Đầu tư vào lọc dầu nhằm đưa tổng công suất lọc dầu trong nước đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sản phẩm lọc dầu của thị trường trong nước, tham gia sản xuất một sản phẩm hóa dầu, như phân bón, chất dẻo, sợ và chất tẩy rửa tổng hợp, mở rộng mạng lưới phân phối và bán lẻ thông qua mua bán hoặc sáp nhập. Những chiến lược trên nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đạt lợi nhuận phù hợp, cân đối giữa công suất lọc dầu và khả năng phân phối sản phẩm lọc dầu, có khả năng điều tiết thị trường sản phẩm lọc dầu, một số nguyên liệu cho hóa dầu và sản phẩm lọc dầu.

Khí – Điện

Mục tiêu trong lĩnh vực khí là phát triển công nghiệp khí đồng bộ từ khâu đầu, khâu giữa đến khâu cuối, trong đó tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở công nghiệp khí quốc gia. Hoàn chỉnh hạ tầng công nghiệp khí khu vực phía Nam, hình hành hạ tầng công nghiệp khí khu vực phía Bắc, đẩy mạnh công tác tự lực cũng như khuyến khích đầu tư thăm dò, khai thác khí thông qua cơ chế giá khí và điều khoản PSC phù hợp, đầu tư và đàm phán ngay việc nhập khẩu LNG một cách hiệu quả bảo đảm cân bằng cung cầu khí trong nước.

Lĩnh vực điện sẽ chủ động tích cực đầu tư phát triển nhiệt điện khí, hợp tác với các đối tác, tham gia thực hiện các dự án thủy điện và điện than được Chính phủ giao. Đẩy mạnh công tác tìm kiếm và ký kết các hợp đồng nhập khẩu than đối với các dự án chưa có kế hoạch cung cấp than từ nguồn trong nước.

Lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí sẽ tăng cường đầu tư, nâng cao tiềm lực, khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị phần chủ đạo của thị trường trong nước cho các dạng dịch vụ có khả năng hỗ trợ có hiệu quả cho thăm dò, khai thác dầu khí, Bên cạnh đó, hợp tác với các đối tác nước ngoài, nhận chuyển giao kinh nghiệm, công nghệ, nâng dần tỷ lệ nội địa trong một số loại hình dịch vụ đòi hỏi kỹ thuật và công nghệ cao.

Trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò trong nước, dịch vụ kỹ thuật phải giúp PVN có thể chủ động tìm kiếm tìm kiếm, thăm dò những vùng nước sâu, xa bờ, qua đó “định hướng” kêu gọi các đối tác khác tham gia, vừa gia tăng trữ lượng trong nước, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền trên biển.

Ở nước ngoài các dịch vụ kỹ thuật dầu khí là song hành với các hoạt động khác tại nước ngoài của PVN vừa để hỗ trợ một cách có hiệu quả cho các lĩnh vực cốt lõi vừa từng bước chiếm lĩnh thị trường khu vực và quốc tế về dịch vụ phương tiện nổi, dịch vụ khoan và kỹ thuật giếng khoan, dịch vụ khảo sát địa chấn, địa chất công trình.

Tăng cường hơn nữa dịch vụ tàu, vận chuyển, cảng, hậu cần. PVN tạo điều kiện tăng cường năng lực vươn ra biển lớn của cả nền kinh tế.

Để đạt được các mục tiêu trên, qua tính toán dự kiến tổng mức đầu tư cần thiết cho các lĩnh vực cốt lõi của Tập đoàn giai đoạn 2011 – 2015 là hơn 60 tỷ USD, trong đó vốn vay khoảng 35 tỷ, còn lại vốn chủ sở hữu gồm vốn của PVN, vốn FDI và vốn huy động qua cổ phần hóa.

Đức Chính