Nhà chị Hằng và chị Lan ở sát vách nhau, cùng có hai đứa con bi bô tập nói. Hai mẹ đều thương quý con nhưng mỗi người lại có cách dạy con riêng.

{keywords}
Ảnh minh họa

Chị Hằng hay trò chuyện với con vì vậy bé Khánh rất hay theo mẹ. Thấy mẹ nấu cơm, Khánh cũng hỏi: “Mẹ nấu cơm à?”. “Ừ, mẹ nấu cơm cho hai bố con Khánh ăn cơm với thịt cá nhé”. “Thịt cá à?”, “Ừ, thịt cá cho Khánh nhanh lớn, thông minh”.

Cứ thế, ngày nào mẹ con chị Hằng cũng bi bô nói chuyện với nhau dù đang làm việc gì.

Còn chị Lan thì tính tình cẩn thận, sạch sẽ nên bé Ngọc rất hay bị mẹ ra lệnh cấm vì cái tội hay sờ mó linh tinh mà không có lời giải thích vì sao. Mỗi khi con hỏi chuyện, chị Lan lại gạt đi: “Mẹ đang bận, con ra ngoài chơi đồ hàng đi”.

Trước bữa ăn, bao giờ chị Lan cũng bắt con giơ tay cho mẹ xem, hễ tay dính tí bẩn là chị lại la toáng lên: “Bẩn thế, đi rửa tay đi… Ăn uống thế à? Rớt hết ra người rồi. Thôi không hỏi nữa, tập trung mà ăn đi…”.

Bị mẹ mắng nhiều nên bé Ngọc thường hay ỉu xỉu, không bám theo mẹ líu lo hỏi chuyện như bé Khánh. Bữa ăn nhà chị Lan lúc nào cũng đơn điệu, nặng nè. Chồng chị Lan thường ăn cho xong bữa rồi rút vào phòng khách xem ti vi, mặc hai mẹ con với những lời cằn nhằn.

Đưa con đi mẫu giáo, chị Lan nhận được lời nhận xét của cô giáo: Bé Ngọc nhút nhát, e dè. Nhìn sang nhà bên cạnh thấy bé Khánh vui vẻ, nói năng lưu loát thì chị Lan lại càng quay sang chì chiết con.

Từ câu chuyện của chị Lan và chị Hằng mới thấy rằng, trẻ nhỏ thời kỳ tập nói rất nhạy cảm với tiếng nói, rất thích đặt câu hỏi với người lớn. Khi trẻ đặt câu hỏi, có nghĩa là trẻ đang tìm hiểu thế giới xung quanh và mong được giải đáp.

Vì thế, cha mẹ nên cố gắng giao tiếp, trả lời các câu hỏi của trẻ để trẻ có những kiến thức sống cơ bản. Ngoài ra, việc trò chuyện còn giúp bé không nhút nhát, vụng về - những điều rất bất lợi cho cuộc sống sau này.

(Theo Gia Đình & Xã Hội)