- Sau kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Sabeco phải nộp bổ sung hơn 408 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt, tập thể cán bộ nhân viên của hãng bia này đã viết tâm thư gửi các cơ quan quản lý Nhà nước, phản đối kết luận này.

Khoản truy thu khổng lồ trên xuất phát từ việc áp giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt. Tại kết luận kiểm toán năm 2013, KTNN cho rằng, Sabeco phải lấy giá tính thuế là giá bán ra của 10 công ty CP thương mại khu vực, không phải là giá bán ra tại Công ty Sabeco như đã thực hiện.

Sáng 15/7 tại buổi toạ đàm về vấn đề này do Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam tổ chức, ông Chung Trí Dũng, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã công bố bức tâm thư "phản đối" kết luận kiểm toán.

Thuế chồng thuế, các kết luận kiểm toán đá nhau

Vị Chủ tịch Công đoàn đã cho biết, tập thể người lao động ở Sabeco đã thống nhất liệt kê ra 8 điểm không hợp lý ở Kết luận kiểm toán Nhà nước đối với đơn vị.

Ngoài việc cho rằng, cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đến 10 công ty cổ phần thương mại khu vực của Sabeco như kết luận kiến nghị của KTNN là chưa có cơ sở và sẽ dẫn tới hiện tượng thuế chồng thuế, ông Dũng cũng cho hay, KTNN còn đòi truy thu cả các công ty không kiểm toán.

{keywords}

Ông Chung Trí Dũng công bố bức tâm thư "phản đối" kết luận kiểm toán.

Cụ thể, Kiểm toán nhà nước chỉ thực hiện tại công ty mẹ và 4 công ty con gồm Công ty CP Bia Sài Gòn - Sông Lam, Công ty CP Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi, Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây và Công ty CP Bia Sài Gòn - Hà Nội, nhưng lại đề xuất áp thuế và truy thu đển 7 công ty con.

Đặc biệt, theo ông Dũng, các kết luận của Kiểm toán còn đá nhau.

Ông Dũng dẫn lại: "Trong kết luận của Kiểm toán Nhà nước năm 2011 khi kiểm toán báo cáo tài chính năm 2010 đối với Tổng công ty đã ghi nhận Bia Sài Gòn đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về Thuế TTĐB".

"Vậy mà đến năm 2015, khi kết luận kiểm toán BCTC năm 2013 vẫn những nội dung đó, vẫn những văn bản quy phạm đó và những cán bộ kiểm toán đó …nhưng Kiểm toán Nhà nước lại kết luận ngược lại. Chúng tôi đề nghị phải có một sự giải thích rõ ràng và thỏa đáng về vấn đề này", ông Dũng nói.

Vị Chủ tịch Công đoàn cũng đặt câu hỏi: "Hàng năm, công ty mẹ, các công ty con và công ty liên kết cũng được các công ty kiểm toán độc lập có uy tín (cả trong nước và trên thị trường kiểm toán thế giới như: KPMG, PWC, E&Y, Deloitte…) thực hiện kiểm toán và vẫn luôn được xác nhận Bia Sài Gòn đã thực hiện nghiêm túc quy định về thuế TTĐB. Phải chăng có sự khác biệt gì trong cách thực thi kiểm toán giữa các Công ty kiểm toán độc lập và Kiểm toán nhà nước?

Ông cũng cho biết thêm, ngoài bản kết luận kiểm toán trên, còn có kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính ngày 15/03/2013 về việc thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước năm 2011, kết luận của Cục thuế Tp HCM năm 2009 và Tổng Cục thuế năm 2011 kiểm tra tình hình thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách, tất cả đều khẳng định Sabeco đã tuân thủ đúng quy định về thuế.

Lỗ hổng pháp luật không phải do doanh nghiệp tạo ra

Sự bức xúc của đại diện người lao động Sabeco lên tới đỉnh điểm khi ông nói: "Tại cuộc họp báo của Kiểm toán nhà nước mới đây, Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước khẳng định có lỗ hổng pháp luật, vậy lỗ hổng đó do ai tạo ra? Nhất quyết không phải do Bia Sài Gòn tạo ra được!".

{keywords}

"Nếu có điều đó, các cơ quan nhà nước cần phối hợp để xây dựng các văn bản quy phạm để điều chỉnh, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện chứ không thể truy thu trước, sửa lỗ hổng pháp luật sau được", ông Dũng cho biết.

Ông cho biết, toàn bộ việc kê khai, nộp thuế của công ty là đã căn cứ vào Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008- Luật đang còn hiệu lực và Thông tư số 5 của Bộ Tài chính ban hành ngày 5/1/2012 hướng dẫn luật này. Năm 2009, hãng bia này đã có ít nhất 3 công văn gửi Cục thuế TP HCM và Tổng Cục thuế để trình bày mô hình tổ chức, đồng thời đề nghị hướng dẫn kê khai nộp thuế. Đơn vị đã kê khai, nộp thuế đúng theo các nội dung trả lời của các cơ quan thuế trên.

Cho đến nay, các tranh cãi về tính đúng- sai trong việc truy thu thuế TTĐB đối với Sabeco vẫn chưa có hồi kết.

Trước đó, ngày 18/3, Sabeco cũng đã có báo cáo giải trình về kết luận của KTNN gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Tổng Cục thuế và Tổng KTNN. Hãng bia này đề nghị chỉ nộp 58,5 tỷ đồng tiền thuế GTGT, TNDN, TNCN... Nếu nộp 408 tỷ đồng tiền thuế TTĐB như kết luận KTNN, sẽ làm tăng thuế TTĐB ở công ty lên khoảng 3,3% thuế suất, làm ảnh hưởng lớn tới hiệu quả kinh doanh của Tổng công ty, giảm lợi nhuận 350-400 tỷ/năm, tương ứng 4.000 tỷ đồng kể từ năm 2008. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của các cổ đông, ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hoá công ty.

Phạm Huyền