Sáng 17/7, Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng đã họp phiên thứ ba. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các Thành viên Ban Chỉ đạo tham dự phiên họp.

{keywords}

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp.

Ban Chỉ đạo đã đề ra 8 nhiệm vụ công tác phòng chống tham nhũng từ nay đến cuối năm, trong đó tiếp tục chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng, tập trung tuyên truyền Nghị quyết Hội nghị TW 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Kết luận hội nghị TW 5 (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng; triển khai đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Ban Chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác điều tra, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các vụ án có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng; triển khai Kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; chỉ đạo xây dựng Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính TW và các cơ quan trong xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng.

Thành lập 7 đoàn kiểm tra, giám sát

Ban Chỉ đạo xây dựng Kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp. Theo đó trong quý 3/2013, Ban Chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng thành lập 7 đoàn công tác do các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn để kiểm tra, giám sát một số ngành và địa phương trên toàn quốc.

Sớm đưa ra xét xử một số vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp. Ban Chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng thống nhất chọn 8 vụ án và 2 vụ việc tham nhũng và kinh tế có dấu hiệu tham nhũng, phức tạp, dư luận quan tâm vào diện Ban Chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan chức năng cần sớm đưa ra xét xử một số vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Viện KSNDTC phối hợp với Tòa án NDTC chỉ đạo đưa ra xét xử 2 vụ án: Vụ án Vũ Quốc Hảo và đồng phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (giai đoạn I) và vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tòa án NDTC chỉ đạo các Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đắk Nông sớm đưa ra xét xử 3 vụ án tham nhũng nghiêm trọng mà Viện Kiểm sát đã quyết định truy tố (vụ Nguyễn Anh Tuấn và đồng phạm cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; vụ Nguyễn Bi và Nguyễn Thị Thanh Huyền tham ô tài sản tại Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam; vụ Vũ Việt Hùng cùng đồng phạm nhận hối lộ, vi phạm quy định về cho vay, lừa đảo chiếm đoạt tài sản).

Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng giao Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giám định tư pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà các cơ quan tiến hành tố tụng đang gặp phải trong quá trình xử lý các vụ án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp. Viện KSNDTC chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện một số điều của Bộ luật Hình sự về các tội tham nhũng, kinh tế đang có vướng mắc.

Hoàn thiện thể chế

Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư nêu rõ: 6 tháng đầu năm 2013, Ban Chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng đã tiếp tục kế thừa, phát huy kinh nghiệm của Ban Chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng khóa trước, triển khai các công việc nền nếp, bài bản. Việc xây dựng thể chế nhanh hơn, công tác phát hiện, xử lý tích cực hơn, việc thực hiện Nghị quyết TW 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đã có tác động tích cực, rõ rệt trong công tác phòng, chống tham nhũng…

Tuy nhiên, công tác phòng chống tham nhũng còn những hạn chế: Một số cấp, ngành chưa quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, luật đã ban hành rồi nhưng chậm cụ thể hóa thành các nghị định, thông tư hướng dẫn. Một số vụ án trọng điểm lớn triển khai xử lý chậm, đặc biệt là trong khâu điều tra, giám định. Công tác tuyên truyền về phòng chống tham nhũng chưa được như mong muốn.

Tổng Bí thư lưu ý, công tác phòng, chống tham nhũng còn nhiều việc phải làm, phải làm lâu dài, kiên trì, kiên quyết. Các cơ quan chức năng cần phải tiếp tục cố gắng, chú ý hơn công tác xây dựng thể chế. Công tác kiểm tra đôn đốc các khâu, các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm cần được quan tâm hơn.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, trong 6 tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo TW về Phòng chống tham nhũng tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng theo Kết luận 21 của Hội nghị TW 5 (khóa XI). Công tác tuyên truyền về phòng chống tham nhũng cần được triển khai bài bản hơn, đúng mức, khách quan, không bưng che những thiếu sót khuyết điểm, tạo niềm tin trong nhân dân.

Tổng Bí thư đề nghị từng thành viên Ban Chỉ đạo, là người đứng đầu các cơ quan quan trọng liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, trên cương vị của mình, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của ngành, cần chủ động, tập trung xây dựng Kế hoạch triển khai những phần việc, lĩnh vực liên quan đến chức năng, trách nhiệm của mình.

Đề cập Kế hoạch kiểm tra, giám sát, Tổng Bí thư đề nghị cần bám sát thực hiện yêu cầu của Bộ Chính trị trong Kế hoạch 08 thực hiện Nghị quyết TW 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Về những khó khăn, vướng mắc trong xử lý các vụ án, Ban Nội chính TW chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Viện KSNDTC, Tòa án NDTC tổ chức họp liên ngành để bàn tháo gỡ. Trong trường hợp không thống nhất hoặc còn vướng mắc, Ban Nội chính TW tổng hợp, báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng để cho chủ trương xử lý.

(Theo Báo điện tử Chính phủ)