Ngày 7/11, Ủy ban Đối ngoại, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Ủy ban Dân tộc của Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức Hội nghị báo cáo nghiên cứu của WB về “Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam”.

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận định: “Thời gian vừa qua, các chính sách ưu tiên đầu tư cho vùng dân tộc, miền núi đã giúp tốc độ tăng trưởng ở khu vực này khá hơn trước, kết cấu hạ tầng thiết yếu như đường, điện, trường học, trạm xá, các công trình thủy lợi được đầu tư từng bước đồng bộ”.

{keywords}
Tập trung vào đồng bào DTTS để giải quyết thách thức giảm nghèo chặng cuối. Ảnh minh họa

Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội: “Nhiều chính sách đã đi vào cuộc sống và đến nay đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Đồng bào các dân tộc luôn nỗ lực vươn lên, không cam chịu đói nghèo, đã có nhiều mô hình sản xuất giỏi, nhiều vùng đã chuyển sản xuất từ tự túc, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, nhiều xã đã được công nhận là điển hình nông thôn mới”.

Mặt khác, bà Tòng Thị Phóng cũng chỉ ra những những thách thức khó khăn lớn mà vùng dân tộc, miền núi phải đối mặt, đặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn rất cao so với mặt bằng chung của cả nước.

Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận: “Trong bối cảnh đó, với sự quan tâm và chia sẻ của các tổ chức quốc tế, các nước bạn, thì kết quả nghiên cứu của Ngân hàng thế giới và các đối tác, nhất là các vấn đề về kết nối hạ tầng, kinh tế, kết nối thị trường, về lao động và việc làm, về giáo dục, y tế, về năng lực quản trị của các địa phương… với những khuyến nghị chính sách về tái định hình và cải thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế- xã hội vùng DTTS là rất quan trọng và phù hợp với sự quan tâm của Quốc hội Việt Nam”.

Bày tỏ ấn tượng trước kết quả giảm nghèo của Việt Nam từ gần 60% xuống mức dưới 10% trong vòng 1 thế hệ, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione cũng đồng thời cho rằng, chương trình mục tiêu quốc gia mới tập trung vào DTTS sẽ là nền tảng phù hợp để giải quyết thách thức giảm nghèo chặng cuối.

Các đại biểu Quốc hội dự hội nghị đánh giá cao kết quả nghiên cứu của WB và cho rằng đây là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng đối với các đại biểu trong quá trình thảo luận về Đề án phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Kỳ họp thứ tám của Quốc hội.

Bài: Quốc Tiến - Nhóm PV
Ảnh: Thúy Tình - Nhóm PV