Trong năm 2015, Cục Tần số vô tuyến điện đã xử lý 260 vụ can nhiễu, xử lý 1080 điện thoại DECT 6.0; RFID, camera không dây, 173 thiết bị kích sóng di động.

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu tại Hội nghị.

Ủy ban Tần số vô tuyến điện cũng đã phối hợp với Tổng cục Hải quan ngăn chặn, xử lý việc nhập khẩu các thiết bị VTĐ không đúng quy định qua đường hàng không. Thực tế là thời gian qua, nhiều thiết bị VTĐ không đúng với quy hoạch tần số của VN tiếp tục được đưa vào sử dụng trong nước như điện thoại không dây chuẩn DECT 6.0 gây can nhiễu cho mạng 3G, thiết bị nhận dạng vô tuyến RFID, camera không dây gây nhiễu cho các mạng di động băng tần 900 MHz....

Phát biểu tại Hội nghị Toàn thể Ủy ban Tần số vô tuyến điện chiều nay, 18/3, đại diện Ủy ban cho biết, tình trạng sử dụng các thiết bị VTĐ không đúng quy định, gây can nhiễu trong thời gian qua không giảm mà vẫn đang diễn biến phức tạp. Việc quản lý chất lượng thiết bị vô tuyến trong năm 2015 chưa đạt kết quả như mong muốn. "Các cơ quan chức năng đã rất cố gắng nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần phải lưu tâm, như quản lý xuất nhập khẩu tiểu ngạch và lưu thông trên thị trường", báo cáo Tổng kết năm 2015 và triển khai kế hoạch 2016 của Ủy ban chỉ ra.

Thậm chí hiện nay, nhiều thiết bị còn có dải tần áp chế vượt quá quy định, gây nhiễu băng tần quy hoạch cho dịch vụ vô tuyến dẫn đường hàng không. Can nhiễu do sử dụng thiết bị không đáp ứng chất lượng bức xạ, tương thích điện vẫn còn nhiều và xuất hiện loại hình gây nhiễu mới: các thiết bị phát sóng phát thanh FM, truyền thanh không dây gây nhiễu tần số bay vẫn tồn tại; thiết bị mạng WLAN gây nhiễu mạng di động 3G băng tần 2100 MHz, các thiết bị điện tử balast trong biển quảng cáo, trong dây chuyền sản xuất bóng đèn cũng gây nhiễu mạng thông tin di động, đại diện Tiểu ban Phối hợp kiểm soát và xử lý can nhiễu cho biết thêm.

Tăng tốc 4G

Trong năm 2015, 460 mạng 4G đã triển khai tại 157 quốc gia, Việt Nam đã triển khai thử nghiệm 4G tại Vũng Tàu (Viettel), TP.HCM và Kiên Giang (VinaPhone) và tới đây là tại TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội (MobiFone).

Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, vô tuyến băng rộng đang tăng rất nhanh, nhu cầu về phổ tần vì vậy càng ngày càng nóng. Xu hướng dịch chuyển về truyền hình di động, tương tác, theo yêu cầu và trên nền IPTV sẽ thống trị. Dự báo đến 2020, 50% lưu lượng di động sẽ là video và truyền hình theo yêu cầu. Điều này đặt ra những thách thức lớn cho công tác quản lý tần số.

"Hiện tại tổng phổ tần cho IMT là 687 MHz, trong khi dự báo nhu cầu đến 2020 sẽ là 1060-1360 MHz. Nói cách khác, Việt Nam cần thêm 373-673 MHz nữa", ông Hoan giải thích. Các giải pháp được đề ra là tiến hành đấu giá băng tần 2.6 GHz dành cho 4G trong năm 2016, đồng thời cho phép các nhà mạng triển khai 3G/4G trên băng tần 2G. Ngoài ra, đề án số hóa truyền hình cũng cần tăng tốc - Đề án này không chỉ giúp chuyển đổi hạ tầng truyền hình mà còn giúp giải phóng băng tần 700 MHz để dành cho 4G. Mặt khác, sau Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới WRC 15 thì Việt Nam cũng có thêm một số băng tần được bổ sung khác...

Các số liệu được báo cáo tại Hội nghị toàn thể, tổng số thuê bao di động 3G tại Việt Nam đang tăng rất nhanh, tính đến cuối 2015 đã đạt xấp xỉ 40 triệu, cao hơn 30% so với năm 2014. Lợi nhuận Tập đoàn VNPT đạt 3280 tỷ đồng, MobiFone đạt 7395 tỷ đồng trong khi Viettel ước đạt 45.600 tỷ đồng.

Năm 2015 cũng ghi nhận nhu cầu sử dụng vệ tinh quan sát Trái đất tăng nhanh, đặc biệt là yêu cầu về độ phân giải chụp ảnh vệ tinh ngày càng cao. Một số cơ quan của VN đang tích cực nghiên cứu, chế tạo các vệ tinh khoa học. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng các thiết bị liên lạc vệ tinh đặt trên phương tiện di chuyển (máy bay, tàu biển, ô tô) cũng tăng nhanh chóng.

Liên quan đến lộ trình số hóa truyền hình, ngày 1/11/2015, Đà Nẵng đã tắt sóng analog hoàn toàn, hoàn thành số hóa truyền hình. Đây là thành công bước đầu rất quan trọng trong lộ trình triển khai số hóa truyền hình mặt đất của Việt Nam, tạo tiền đề thuận lợi và nhiều bài học kinh nghiệm để triển khai Đề án trong giai đoạn tiếp theo. Nhiều công việc chuẩn bị cho việc thực hiện số hóa truyền hình mặt đất tại 4 thành phố trực thuộc Trung ương và 19 địa phương lân cận đã và đang được tích cực triển khai, đại diện Ủy ban phân tích. Theo như thông báo mới nhất, Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM và Cần Thơ sẽ tiến hành tắt sóng analog 7 kênh truyền hình không thiết yếu từ ngày 15/6/2015. Thời điểm tắt sóng hoàn toàn sẽ được thông báo sau.

Đối với trọng tâm công tác năm 2016, Ủy ban Tần số vô tuyến điện xác định sẽ đẩy mạnh công tác triển khai thực thi Luật Tần số VTĐ cũng như công tác quy hoạch. Theo đó, Ủy ban sẽ nghiên cứu, sửa đổi Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia theo kết quả của Hội nghị WRC15; Sửa đổi thông tư 03/2012 vè ban hành danh mục thiết bị vô tuyến được miễn giấy phép sử dụng tần số, điều kiện kỹ thuật và khai thác kèm theo; Quy hoạch sử dụng tần số tại các sân bay dân dụng; tham gia các nhiệm vụ triển khai Đề án số hóa truyền hình...Nghiên cứu xu hướng công nghệ và băng tần cho phát thanh số, truyền hình di động trên thế giới, khả năng triển khai ở VN; Phối hợp xử lý can nhiễu có hại liên quan đến 3 khối dân sự - quốc phòng - an ninh.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, Chủ tịch Uỷ ban, đề nghị tăng cường cơ chế phối hợp liên Bộ giữa các Bộ TT&TT, Công an, Quốc phòng để đảm bảo thực thi tốt quy hoạch tần số, chống can nhiễu, bảo đảm an ninh quốc phòng, an toàn thông tin.

Công nghệ đang phát triển rất nhanh, việc sử dụng các thiết bị công nghệ là tất yếu, ông phân tích. Thế giới cũng phải thừa nhận sự phát triển chóng mặt của các thiết bị di động, nhất là thiết bị thông minh, là thách thức lớn cho quản lý. Số lượng thiết bị càng nhiều thì nguy cơ can nhiễu càng lớn. Điều này đòi hỏi VN phải đẩy mạnh hiệu lực quản lý vì không thể cưỡng lại xu thế chung.

"Uỷ ban cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho các cơ quan, ban ngành và cá nhân sử dụng tần số để không sử dụng các thiết bị gây can nhiễu. Ngoài ra, lãnh đạo địa phương cũng cần quản lý tần số hiệu quả hơn", Bộ trưởng khuyến nghị. 

T.C