Mặc váy mini chỉ đủ che hông, hai cô gái tiến lên sân khấu được chiếu sáng bằng đèn neon và lắc dữ dội theo tiếng nhạc rất lớn. Nhiệm vụ của họ là an ủi các linh hồn lang thang.



Khi hình ảnh pháo hoa nổ tung trên bầu trời đêm ở phông nền chuyển sang hình ảnh khác thì chính là lúc buổi trình diễn lên tới đỉnh điểm với màn múa cột và thoát y trước khán thính giả gồm cả nam, nữ và trẻ em.

"Đây là một công việc vất vả nhưng tôi cần nó để kiếm sống", En En, 18 tuổi, thở hổn hển sau khi thoát y trước đám đông trong một lễ hội tôn giáo gần đây.

En En chỉ kiếm được 3.000 đài tệ cho màn trình diễn mới bắt đầu trên sân khấu của mình. Tuy nhiên, khi buổi diễn kết thúc, cô hòa mình vào đám đông bên dưới và cho phép đàn ông chạm vào người để lấy tiền tip.

Tín ngưỡng dân gian của Đài Loan là sự pha trộn độc nhất vô nhị giữa linh hồn và trần thế, và một trong những biểu hiện đáng kể nhất của tập tục này là thuê các cô gái chuyên hát và nhảy tham gia trình diễn tại các lễ hội, đám cưới và thậm chí là cả đám ma.

Các cô gái như En En thường làm việc trên các "ô tô điện kết hoa" - loại xe tải được thiết kế đặc biệt có gắn kèm đèn và thiết bị âm thanh để có thể trở thành sân khấu, cho phép họ đi khắp nơi để biểu diễn, thông thường là ở các thành phố nhỏ và khu vực nông thôn.

"Nhóm ca mua thu hút đám đông tới sự kiện của họ và biểu diễn cho Chúa trời và các hồn ma để xin được ban phúc. Hoạt động kiểu này đã trở thành một phần tín ngưỡng và văn hóa dân gian của chúng tôi", Chen Chung-hsien, một quan chức tại đền Wu Fu, tại hạt Taoyuan, bắc Đài Loan nói.

Mới 26 tuổi nhưng Chiang Pei-ying đã là một người biểu diễn kỳ cựu với 20 năm kinh nghiệm, cô đã đi khắp Đài Loan cùng cha và hai chị để biểu diễn cho khán giả xem, cả người sống lẫn người chết.

Chiang trình diễn lần đầu tiên khi còn đi học mẫu giáo vì cô rất thích ca hát và nhảy múa trên sân khấu. Cô đã trở thành ngôi sao biểu diễn cùng với các chị, kiếm tới 80.000 đài tệ cho buổi biểu diễn 20 phút. Chiang cho hay, rất thích thú với công việc ngay cả khi phải đương đầu với những đòi hỏi kỳ quặc từ các khách hàng như đi quanh quan tài và hát cho người chết nghe tại lễ tang.

Một số người biểu diễn khác kiếm được ít tiền hơn Chiang và có xu hướng kín đáo hơn về công việc của họ, đặc biệt là những người biểu diễn thoát y bất chấp nguy cơ bị bắt. Thoát y vũ hiện hiếm khi diễn ra ở nơi công cộng vì nó bị coi là phạm tội, song thoát y một phần vẫn được biểu diễn tại các lễ hội, tiệc tư và đám tang, những người trong nghề cho hay.

  • Hoài Linh (Theo Asia1)