Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Hà Nội, hiện các hoạt động bay không người lái trên lãnh thổ Việt Nam đang được điều chỉnh bởi các Nghị định 36/2008/NĐ-CP, Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 159/QĐ-BQP.
Nghị định 26/2008/NĐ-CP quy định tàu không người lái là thiết bị bay mà việc điều khiển, duy trì hoạt động của chuyến bay không cần có sự tham gia điều khiển trực tiếp của phi công, tổ lái trên thiết bị bay đó. Theo đó, flycam là đối tượng nằm trong nghị định.
Lực lượng cảnh sát nước ngoài từ lâu được trang bị súng bắn drone để bảo vệ một số khu vực quan trọng. |
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, pháp luật Việt Nam quy định tất cả chuyến bay bằng flycam đều phải được xin phép. Hồ sơ đề nghị cấp phép bay sẽ được Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu phê duyệt.
Trước ngày diễn ra các chuyến bay 7 ngày, tổ chức, cá nhân cần nộp đơn đề nghị cấp phép bay lên Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu để được cấp phép bay.
Nội dung đơn đề nghị cấp phép cần có tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc. Bên cạnh đó, người xin cấp phép cũng phải cung cấp các thông tin như đặc điểm nhận dạng tàu bay (bao gồm ảnh chụp), đặc tính kỹ thuật, khu vực tổ chức bay, hướng bay, vệt bay, mục đích, thời hạn bay...
Tại Việt Nam, tất cả chuyến bay flycam đều phải xin cấp phép trước khi tổ chức. |
Ngoài việc phải xin cấp phép trước khi bay, người điều khiển flycam cung cần chấp hành nghiêm các quy định về an toàn khi bay như không được bay ngoài khu vực, thời gian, mục đích đã đăng ký, vi phạm các quy định về lãnh thổ, mang chở các chất phóng xạ, chất cháy, nổ, phóng thả các vật có nguy cơ gây hại từ trên cao, treo cờ, biểu ngữ…
Ngoài ra, một số khu vực bị cấm bay như khu vực quân sự, sân bay, ga tàu, cảng biển, công trình thủy lợi, cơ quan chính phủ, viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật, nhà máy điện, máy điện hạt nhân, nhà máy nước, trạm phát điện.
Thêm nữa, người điều khiển flycam cũng không được bay tại các khu vực bay đông đúc vì có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của nếu máy bay rơi rớt.
Ngoài giấy phép bay do Bộ Tổng tham mưu cấp, khi ghi hình tại các cơ quan, xí nghiệp, công ty, người điều khiển flycam cũng cần xin phép những nơi này trước.
Theo điều 5,6 nghị định 36/2008/NĐ-CP thì một cá nhân có thể bị phạt đến 60 triệu đồng, đối với tổ chức thì có thể từ 80-100 triệu đồng và tịch thu thiết bị khi vi phạm các quy định về sử dụng flycam tại Việt Nam.
Ngoài ra, đối với cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, mức phạt được quy định tại Khoản 1, Điều 13 - Nghị định 36/2008/NĐ-CP và điểm G, Khoản 2, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ với lỗi không làm thủ tục xin phép bay trước khi tổ chức hoạt động bay; mức phạt từ 500.000-1.000.000 đồng, đồng thời tịch thu phương tiện.