Tàu chiến lớn nhất của hải quân Philippines sẽ tiến vào Biển Đông sau khi vượt qua Thái Bình Dương trong vài tuần tới. Trong khi đó, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sẽ có hải trình thử nghiệm vào cuối tháng 9. Trong bối cảnh ở Biển Đông đang có nhiều bất ổn, cả hai con tàu khủng này sẽ đi vào sử dụng.


Báo Philippine GMA đã tiến hành so sánh hai con tàu này. Việc so sánh giữa hai nước, thậm chí là quân đội của từng nước là không cân xứng vì Philippines liên minh với một siêu cường khác - nước Mỹ.

Tàu lớn nhất của hải quân Philippines - BRP Gregorio del Pilar được thiết kế để thực thi luật hàng hải và các sứ mệnh tìm kiếm, cứu hộ do đó chỉ có thể chứa được một chiếc trực thăng.

Tàu sân bay của Trung Quốc, theo kế hoạch dùng để tập huấn và nghiên cứu, nhưng lại có khả năng phô diễn sức mạnh ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc và có thể chứa ba chục chiếc máy bay chiến đấu.

Tàu chiến lớn nhất của Philippines - tàu bỏ đi của Mỹ

The BRP Gregorio del Pilar (PF-15) trước đây là tàu Hamilton của lực lượng tuần duyên Mỹ, nó được chuyển cho hải quân Philippines vào 13/5/2011.

Chính phủ Philippines đã mua chiếc Del Pilar với giá vào khoảng 13,18 triệu USD theo chương trình Điều luật thu mua quốc phòng của Mỹ. Theo đó, tiền mua tàu được lấy từ dự án Malampaya và tàu sẽ được đảm bảo dùng vào an ninh hàng hải.

Chiếc Del Pilar, dài 115m hiện đang chặng cuối của hải trình dài 3 tuần tới Philippines. Chiếc Del Pilar từng là tàu lớn nhất của lực lượng tuần duyên Mỹ.

Trong bài phát biểu toàn quốc hôm 25/7, Tổng thống Philippines Benigno Aquino tuyên bố, con tàu là biểu tượng xây dựng quốc phòng Philippines. "Không lâu nữa, chúng ta sẽ chứng kiến lực lượng vũ trang được nâng cấp và vũ khí sẽ được hiện đại hóa. Ở thời điểm này, chiếc tàu Hamilton lớp Cutter đang trên đường về tới cảng của chúng ta. Chúng ta không muốn làm gia tăng căng thẳng với bất cứ ai nhưng chúng ta phải cho thế giới biết rằng Philippines sẵn sàng bảo vệ đất nước".

Thông báo về tàu chiến mới được Philippines đưa ra đúng thời điểm căng thẳng tăng lên ở Biển Đông

Chiếc Del Pilar là tàu chạy bằng động cơ phản lực tuabin khí đầu tiên trong số các tàu của Hải quân nước này. Đây là con tàu nhanh nhất, lớn nhất, mạnh nhất trong đội tàu của Hải quân Philippines.

Ban đầu, tàu Del Pilar được thiết kế để mang theo một hệ thống vũ khí Phalanx 20mm, vốn được thiết kế để bắn hạ các tên lửa chống hạm và máy bay cánh cố định. Tuy nhiên, hệ thống vũ khí này đã được Mỹ tháo bỏ và chuyển cho một tàu khác của lực lượng tuần duyên Mỹ. Sau khi dỡ bỏ hệ thống vũ khí, Mỹ lắp vào đó radar và các thiết bị điện tử như một phần trong thỏa thuận với Philippines.

Tàu sân bay Trung Quốc - tàu cũ của Liên Xô

Tàu Shi Lang (PLAN 83), trước đây là tàu Varyag, một trong hai chiếc hàng không mẫu hạm từ thời Xô viết hiện còn tồn tại. Chiếc còn lại là Kuznetsov, hiện vẫn đang được Nga sử dụng.

Tại xưởng đóng tàu của Ukraine, quốc gia thuộc Liên Xô cũ, con tàu chưa đóng xong đã được một công ty, được cho là bình phong của quân đội Trung Quốc, mua qua một phiên đấu giá với số tiền là 20 triệu USD. Theo người mua lúc đó, tàu sẽ được dùng làm trung tâm giải trí hoặc sòng bạc nổi.

Theo thiết kế ban đầu, Varyag sau này thành tàu Shi Lang, sẽ là tàu chạy bằng hạt nhân nặng 90.000 tấn. Tuy nhiên, sau đó, nó giảm xuống còn 65.000 tấn do thiếu bộ phận phóng máy bay vốn thường được dùng trên tàu sân bay của Mỹ, và chỉ dùng boong dốc nhân tạo để máy bay cất cánh. Tàu Varyag không chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Tàu sân bay Shi Lang dài 323m, có thể thường xuyên chở 36 chiếc máy bay Su-33 và 16 trực thăng với đoàn thủy thủ 3.000 người. Tàu này chở 2.500 tấn nhiên liệu hàng không, cho phép tiến hành 500 tới 1.000 lần xuất kích của máy bay.

Trong số vũ khí được lắp trên tàu Shi Lang có hệ thống súng máy 10 thùng CIWS, loại vũ khí có thể bắn 5.800 vòng một phút.

  • Hoài Linh (Theo GMA)