Loại tàu ngầm mini Caiman SMX-26 của Pháp đang trở thành một nhân tố tiềm năng, có thể thay đổi cuộc chơi tại biển Hoa Đông - nơi mà Trung Quốc và Nhật đang có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trong số các khách hàng tiềm năng mà Paris nhắm tới, có lẽ Trung Quốc được cho là ứng viên nặng ký.
Vì trong bối cảnh các vùng biển nông như tại Hoa Đông, Bắc Kinh cần một thứ vũ khí nhẹ, tác chiến tốt như Caiman SMX-26.
Địa hình dưới đáy biển Hoa Đông được cho là rất hiểm trở. Thông thường, tác chiến của tàu ngầm gặp nhiều hạn chế nếu hoạt động ở độ sâu chưa đến 50m.
Tại biển hoa Đông, nơi sâu nhất còn chưa quá 100m.
Tuy nhiên, Caiman SMX-26 có khả năng tác chiến trong vùng biển nông (chỉ tới 12m), thời gian hoạt động lên tới 30 ngày, trang bị 2 ngư lôi chống hạm và 8 ngư lôi chống tàu ngầm.
Caiman có khả năng nổi bật là dựng bản đồ địa hình 3 chiều.
Nếu Trung Quốc sở hữu một hạm đội tàu ngầm mini kiểu này cùng với việc tăng cường kỹ năng kiểm soát tiếng ồn ở các vùng biển nông, Bắc Kinh có nhiều khả năng tác chiến cả ở chuỗi đảo thứ nhất (kéo dài từ Kyushu-Okinawa cho tới Đài Loan, Philippines, Borneo) lẫn phòng tuyến chuỗi đảo thứ hai (quần đảo Izu, đảo Guam, đảo Saipan, Papua New Guinea).
Nếu Hải quân Trung Quốc vượt qua được phòng tuyến ở chuỗi đảo thứ nhất, họ có thể tiến về chuỗi đảo thứ hai. Trong viễn cảnh đó, Bắc Kinh có thể kiểm soát được phần lớn diện tích từ biển Hoàng Hải tới Hoa Đông.
Vấn đề then chốt là, Bắc Kinh có thể ứng dụng thành công kỹ thuật hạ thủy tàu ngầm từ tàu sân bay hay không.
- Lê Thu (tổng hợp)