Ai cũng nghĩ nghề thu gom đồng nát, bán bánh khoai, bánh chuối là công việc bình
dân, nhưng thực tế nghề này đã “hái ra" nhà lầu xe hơi cho không ít người.
Làng tỷ phú từ nghề đồng nát
Xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu (Nghệ An) xưa vốn là vùng đồng không mông quạnh, cuộc sống của người dân lắm nghèo khổ. Vậy mà khoảng hơn 10 năm trở lại đây, bằng nghề buôn bán phế liệu, đồng nát, vùng quê này bỗng phất lên như diều gặp gió.
Chuyện về những nông dân nơi đây sở hữu nhà tiền tỷ, “xế hộp” tiền tỷ giờ xem ra quá... thường! Cả xã hiện có trên 400 hộ giàu, có 180 xe ô tô trong đó có 35 xe ô tô chở hàng, trên 150 ngôi nhà cao từ 2-3 tầng (trong đó nhiều ngôi nhà biệt thự có trị giá từ 1,5-3 tỷ đồng).
“Làng biệt thự” ở xã Diễn Tháp. (Ảnh Dân Trí) |
Bà Chu Thị Khuyên, Chủ tịch xã Diễn Tháp, cho hay nhiều người dân lân la sang cả nước bạn Lào để tìm mua nguyên liệu về đúc đồng, thấy được nhu cầu tiêu thụ đồ sinh hoạt của người Lào, họ đã nghĩ ra cách “làm giàu” là vừa thu mua phế liệu, vừa đưa hàng Việt sang phục vụ người dân xứ sở Triệu Voi.
Hiện cả xã có 5.600 nhân khẩu, khoảng 1.500 lao động mưu sinh ở Lào, số còn lại ở quê cũng thành lập khoảng trên 40 đại lý thu gom phế liệu, cung cấp hàng hoá các loại sang Lào. Hành trình buôn đồng nát xuyên Việt của dân Diễn Tháp theo quy trình ai có vốn lớn thì làm ăn lớn, đầu tư hàng tỷ đồng mua xe ô tô vận tải hạng nặng chở hàng hoá. Cứ đưa xoong, nồi, mâm, đồ nhựa, đũa tre, chăn ga, gối đệm... sang Lào để đổi đồng nát, gom hàng đủ rồi lại đưa về.
Nói là “đồng nát” nhưng dân Diễn Tháp mua cả “sắt nát”, “nhựa nát”, “nhôm nát”... tất cả đều coi như “vàng ròng”, bởi khi về phân loại thì đồ sắt, đồ đồng được tập kết sang xã Diễn Hồng để đúc phôi thép, hàng nhựa thì được xay ra hạt nhựa đem bán cho các tỉnh phía Bắc rồi tái chế ra các sản phẩm lại quay ngược sang Lào.
Công việc làm ăn ở Diễn Tháp luôn theo một vòng quay nhộn nhịp. Xe ô tô vận tải ngày đêm vào ra chở hàng. Đội ngũ “cửu vạn” luôn làm việc hết công suất mà vẫn không thể kịp vận chuyển hàng. Cũng từ cách làm ăn này đã đưa Diễn Tháp từ xã nghèo khó nhất trở thành một trong những cơ sở giàu mạnh nhất huyện Diễn Châu.
Điều đặc biệt ở Diễn Tháp là người dân buôn bán “đồng nát” rất đoàn kết giúp đỡ nhau trong hoạn nạn khi làm ăn nơi xa xứ. Anh em láng giềng cho nhau vay mượn tiền của để làm vốn. Cứ từ người này “lôi” người khác đi sang Lào theo nghề “đồng nát” mà hiện nay hầu hết số người đến tuổi lao động ở Diễn Tháp đều là “Việt Kiều hoá”, con số “xuất ngoại” đông nhất tỉnh. Ngoài Diễn Tháp, hiện nay nghề “đồng nát” còn được các xã khác học hỏi đưa lao động sang Lào như Diễn Hồng, Diễn Liên, Diễn Kỷ...
Bà Khuyên Chủ tịch xã nói thêm: Người lao động ở Diễn Tháp có ý chí, nỗ lực, làm ăn xa quê nhưng được cái không có ai nghiện ma túy, làm ăn phi pháp. Ai nấy làm ăn dù ít hay nhiều đều có ý thức xây dựng quê hương. Diễn Tháp có bãi chứa rác thải, thu từ thương mại dịch vụ (chủ yếu buôn bán ở Lào) từ đầu năm 2010 đến nay đạt gần 60 tỷ đồng.
Bán bánh khoai, chuối lãi 1 triệu/ngày
Những ngày chớm rét cũng là thời điểm các món bánh rán như bánh mặn, bánh chuối, bánh khoai, bánh ngô vào mùa kinh doanh.
Chị Yến (Thanh Xuân, Hà Nội) làm nghề bán bánh khoai, bánh chuối, bánh ngô tại Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: Hơn chục năm nay, mỗi năm cứ từ tháng 10 đến tháng 4 chị lại đổi nghề sang làm bánh chuối, bánh ngô, bánh khoai để bán.
Chị Yến với rổ khoai lớn đang chuẩn bị vào buổi bán hàng chiều. (Ảnh VietNamNet) |
Hàng bánh của chị nằm trên con phố Vũ Hữu (Thanh Xuân), khu vực đông các học sinh, sinh viên. Chị tiết lộ, mỗi ngày chị bán hết khoảng 10kg khoai lang (tương đương với khoảng hơn 100 chiếc bánh khoai) và 150 chiếc bánh chuối. Bánh ngô cũng chiếm một số lượng khá lớn. Tính trung bình, có ngày chị bán được 500 bánh các loại.
Thử làm một phép tính nhanh: chị Yến mua khoai, chuối, ngô, dầu ăn từ chợ đầu mối Phùng Khoang (Thanh Xuân) với giá buôn. Trung bình khoảng 10.000 đồng/kg khoai, 3.000 đồng/bắp ngô, 13.000 đồng/nải chuối. Đặc biệt, chuối làm bánh không cần là loại chuối ngon, đẹp mắt mà chuối chín quá, chuối gãy vẫn có thể làm được bánh.
Mỗi kg khoai chị làm được 10 đến 12 chiếc bánh + nửa kg bột mì có giá 9.000 đồng + dầu rán... với mức bán lẻ 5.000 đồng/chiếc bánh, mỗi ngày chị Yến lời xấp xỉ... 1 triệu đồng.
Hầu hết những người làm bánh khoai, bánh chuối bán thường không có việc làm ổn định nên họ chỉ "giở đồ nghề" mở hàng bán bánh khi mùa lạnh về. Còn mùa hè, họ có thể ở nhà làm việc đồng áng hoặc tìm những công việc thời vụ khác làm thêm.
Chị Yến cho biết, một năm chị bán bánh khoai, bánh rán khoảng 6 tháng và đắt hàng nhất thường vào khoảng 3 tháng cuối năm. Doanh thu mỗi ngày khoảng 2 triệu đồng trừ chi phí có ngày lãi cả triệu đồng. "Làm một mùa có thể đủ ăn cả năm" - Chị Yến vui vẻ.
K. Minh (tổng hợp)