Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc - được nâng cấp từ con tàu cũ thời Liên Xô - sẽ bắt đầu được thử nghiệm trên biển trong tuần tới, một tờ báo vừa đưa tin.
Hình ảnh về tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc Ảnh: silobreaker
Hồi đầu tháng này, ông Trần Bỉnh Đức, Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc đã xác nhận việc nước này đang xây dựng tàu sân bay lớn. Đây là thừa nhận lần đầu tiên về sự tồn tại của con tàu từ chương trình quân sự luôn được giữ kín của Trung Quốc.
Hôm nay (21/6), Nhật báo Thương mại Hong Kong, tờ báo từng công bố thông tin xác nhận làm tàu của ông Trần Bỉnh Đức, đã dẫn nguồn tin quân sự giấu tên nói rằng, tàu sân bay sẽ chạy thử trên biển vào 1/7 nhưng chưa chính thức hạ thuỷ cho tới tháng 10.
Nguồn tin trên nhấn mạnh, việc chạy thử được tăng tốc giữa lúc có nhiều diễn biến căng thẳng trên Biển Đông – vùng biển giàu tài nguyên dầu khí và là nơi diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc với bốn quốc gia Đông Nam Á. Theo nguồn tin này, quân đội Trung Quốc “hy vọng con tàu sẽ thể hiện sức mạnh của lực lượng hàng hải trong việc ngăn chặn các quốc gia khác chú ý tới Biển Đông”. Nguồn tin cho biết thêm, lịch trình chạy thử trên biển được chọn lựa để kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng nhiều yếu tố như thời tiết có thể ảnh hưởng tới kế hoạch thử nghiệm.
Hiện phía quân đội Trung Quốc chưa đưa ra phản ứng nào về thông tin mới nói trên.
Theo giới phân tích, con tàu sân bay đang đậu ở cảng Đại Liên, phía đông bắc Trung Quốc là một trong những bí mật khó giữ kín nhất của nước này. PLA – quân đội lớn nhất thế giới – nổi tiếng trong việc giữ bí mật các chương trình quốc phòng.
Con tàu nói trên được xây dựng từ những năm 1980 cho hải quân Liên Xô nhưng chưa bao giờ được hoàn thành. Khi Liên Xô tan rã, tàu Varyag nằm ở xưởng đóng tàu tại Ukraine. Một công ty Trung Quốc có liên quan tới PLA đã mua lại Varyag với lời khẳng định muốn biến con tàu trở thành một sòng bạc nổi tại Macau.
Theo các chuyên gia quân sự, con tàu được cho là sắp hoàn thành và có thể bắt đầu thử nghiệm trên biển vào cuối năm nay. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là sau đó nó sẵn sàng đảm nhận sự mệnh của mình. Giới phân tích nhận định, học cách điều hành nó thế nào, rồi máy bay sử dụng trên tàu ra sao sẽ phải mất ít năm nữa.
Hồi đầu tháng khi ông Trần xác nhận tin Trung Quốc làm tàu sân bay, một trợ lý của ông đã cho hay, thậm chí kể cả sau khi tàu sân bay triển khai, thì “chắc chắn nó sẽ không tiến vào vùng lãnh hải của các nước khác”. "Tất cả quốc gia lớn trên thế giới đều có tàu sân bay, chúng là biểu tượng của một nước lớn”, vị này nhấn mạnh.
· Thái An (Theo economictimes)