Con tàu trị giá 2,5 tỷ USD của NASA vừa hoàn tất thành công chuyến đi bộ thử nghiệm đầu tiên dài 5m của mình và đã sẵn sàng để “sục sạo” bề mặt hành tinh đỏ và tìm kiếm dấu hiệu sự sống.

Bức ảnh chụp cho thấy vết lốp của tàu Curiosity
Việc tàu Curiosity Mars lăn bánh thành công: di chuyển 5m và xoay chậm một góc 120 độ, sau đó lùi lại 2,4m để chứng minh phòng thí nghiệm khoa học này thực sự “di động” được coi là một cột mốc quan trọng của sứ mệnh. Cuộc thử nghiệm này kéo dài khoảng 16 phút, dù thời gian lăn bánh thực tế chỉ chiếm khoảng 1/3. Khoảng thời gian còn lại tàu được lập trình để dừng lại và chụp ảnh bề mặt nhiều đá cuội, bụi của hố Gale.

“Vượt qua được thử thách này là Curiosity đã chứng minh nó có hệ thống di chuyển hoàn thiện, sẵn sàng cho các sứ mệnh tiếp theo”, đại diện NASA cho biết.

Trong một bức ảnh toàn cảnh đen trắng do hệ thống camera dẫn đường của tàu chụp, người ta có thể nhìn rõ vết lốp của Curiosity trên nền đất sao Hỏa, cùng với đó là dấu vết do tên lửa hạ cánh của tàu để lại khi tàu hạ cánh cách đây 2 tuần.

Curiosity đã sẵn sàng cho những chuyến di chuyển dài để thăm dò sao Hỏa.
“Bề mặt sao Hỏa cứng, rất thuận lợi cho việc di chuyển chứ không bị quá lún, quá mềm”, đại diện NASA nói thêm.

Tàu Curiosity hạ cánh thành công vào ngày 6/8. Kể từ đó tới nay, các kỹ sư của NASA đã tiến hành kích hoạt, kiểm tra, chạy thử các hệ thống phụ và các dụng cụ nghiên cứu khoa học trên tàu. 8/10 thiết bị công nghệ cao của tàu đã vượt qua được những màn kiểm tra ban đầu. Trục trặc duy nhất phát hiện được là một bộ cảm biến gió bị vỡ.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, các kỹ sư còn phải kiểm tra thêm hệ thống thu nhận mẫu vật gồm mũi khoan và xẻng xúc đất – đây là một hệ thống phức tạp bởi nó phải di chuyển mẫu đất/đá đến với khoang phân tích bên trong tàu.

Trọng Cầm