Vận chuyển ra sân bay và chiều ngược lại luôn hấp dẫn không chỉ taxi truyền thống và xe công nghệ. Từ khi có Uber, Grab, sân chơi này không còn độc quyền của taxi.
Có hàng trăm hãng xe từ taxi truyền thống, taxi công nghệ, cho đến xe dịch vụ tư nhân để đưa đón khách tới sân bay. Cước phí lái xe ra sân bay đã có sự thay đổi mạnh khi có Uber và Grab tham gia cuộc chơi. Châm ngòi nổ cho cuộc cạnh tranh giá là Uber khi từng đưa ra mức giá chỉ 150.000 đồng chiều đi sân bay và 220.000 đồng chiều về, gây sốc cho hàng loạt hãng taxi.
Theo lý giải của đơn vị này, việc giảm giá cước xe ô tô sân bay nhằm mục đích có thêm nhiều khách hơn cho lái xe. Tuy nhiên, sau đó các lái xe đồng loạt phản đối, từ chối khách nên hầu như mức giá lên sân bay 150.000 đồng chỉ một số khách nước ngoài đặt được do lái xe không thể từ chối thẳng thừng.
Taxi sân bay đua nhau cạnh tranh |
Sau khi Uber rời bỏ thị trường Việt Nam, đi sân bay chỉ còn lại một số hãng taxi nhượng quyền vận chuyển tại sân bay và Grab. Đắt nhất vẫn là chiều về Nội Bài - Hà Nội khi các hãng taxi áp dụng cước phí tính theo km. Còn Grab có mức giá trung bình từ 280.000-trên 300.000 đồng, tùy thời điểm và chưa bao gồm phí bến bãi. Phần lớn các dịch vụ này đều là xe bình dân, phân khúc cao cấp đang còn hạn chế.
Còn bình thường đặt trực tiếp với lái xe không qua hình thức gọi tổng đài hoặc ứng dụng thì mức cước hợp lý hơn khoảng 200.000 đồng chiều lên sân bay và 250.000-300.000 đồng chiều ngược lại.
Mới đây, Luxstay công bố thử nghiệm dịch vụ cho thuê xe cao cấp với điểm nhấn là gói đưa đón sân bay tại Hà Nội và TP.HCM với giá ưu đãi gây sốt chỉ từ 99.000 đồng/chiều. Sau đó, cộng đồng mạng càng xôn xao khi đơn vị này tiết lộ lộ trình tăng giá cho dịch vụ này với mức đỉnh lên tới hơn 500.000 đồng/chiều. Tuy nhiên, mới đây startup này lại gây bất ngờ khi công bố hủy lịch trình tăng giá dịch vụ đưa đón sân bay, theo đó, giá dịch vụ giai đoạn 2 (từ 5/12/2019) vẫn tăng đúng lộ trình lên mức chỉ từ 129.000 đồng/chiều và hủy bỏ lộ trình tăng giá cho các giai đoạn tiếp theo.
Đại gia rời cuộc chơi
Giới kinh doanh vận tải cho rằng, đây vẫn là một mức giá tốt trên thị trường với dịch vụ đưa đón sân bay bằng xe sang. Đây là một tín hiệu tích cực cho thị trường vận tải khi một doanh nghiệp startup tham gia vào thị trường này ở phân khúc cao cấp.
Sau khi xuất hiện màn phá giá của đơn vị này, Grab và taxi truyền thống hiện chưa có động thái gì. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, dịch vụ vận chuyển ra sân bay còn nhiều khoảng trống nên mỗi đơn vị có một phân khúc riêng.
Các hãng taxi truyền thống trong thời gian qua cũng nhanh chóng thay đổi ứng dụng công nghệ, xây dựng một ứng dụng riêng trên nền tảng di động tương tự Uber và Grab như: V.Car, ThanhCong Car,... để cạnh tranh với các ứng dụng công nghệ.
Không còn Uber, đại gia Việt đổ xô đầu tư dịch vụ đặt xe |
Các hãng taxi truyền thống ở Hà Nội cũng liên kết thành lập liên minh với thương hiệu G7 để cạnh tranh với Grab. Thậm chí, hãng taxi Mai Linh còn lập ra Hợp tác xã taxi Hòa Bình Xanh thu hút số lượng các xe ôtô nhàn rỗi, không phân biệt dòng xe, sơn xe để vào tham gia hợp tác cùng với hãng taxi.
5 năm kể từ khi Uber và Grab bước chân vào thị trường Việt Nam, tới giữa năm 2018, đã có tới 40 hãng taxi truyền thống biến mất trên thị trường. Thông tin từ CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico) vừa công bố, HĐQT công ty cuối cùng cũng đã quyết định giải thể Công ty TNHH Comfort Savico Taxi sau khi đã cho ngừng hoạt động từ năm ngoái.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Savico tại 31/12/2018, Savico đã đầu tư 31,5 tỷ đồng vào ComfortDelgro Savico Taxi, tương ứng tỷ lệ sở hữu 40,03%. Savico cho biết sẽ thu về 31,47 tỷ đồng khi giải thể ComfortDelgro Savico Taxi. HĐQT giao Tổng giám đốc phối hợp với nhóm đại diện vốn Savico tại đây triển khai thực hiện thu hồi vốn về cho Savico kịp thời và đúng thời gian quy định.
ComfortDelGro Savico Taxi tiền thân là Xí nghiệp Taxi Du lịch Savico - công ty trực thuộc Savico hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển hành khách công cộng bằng taxi vào tháng 8/1996. Đến năm 2005, liên doanh ComfortDelgro Savico Taxi được thành lập với vốn điều lệ 79 tỷ đồng, trong đó Savico nắm 40% và đối tác Singapore Comfort Delgro nắm 60%. Dù được sự hậu thuẫn bởi doanh nghiệp phân phối ô tô hàng đầu Việt Nam nhưng ComfortDelgro Savico cũng chỉ có được thị phần khá khiêm tốn và lợi nhuận thu về không đáng kể.
Đến giai đoạn 2016-2017, sự cạnh tranh dữ dội từ hai hãng taxi công nghệ Grab và Uber khiến công ty chỉ hoạt động cầm chừng. Riêng năm 2017, lợi nhuận của ComfortDelgro Savico chỉ đạt 235 triệu đồng.
Một doanh nghiệp khác trong ngành vận tải là taxi Mai Linh cũng gặp khó vì Uber, Grab. Mai Linh gửi đơn kêu cứu xin giãn khoản nợ cũ 180 tỷ đồng về bảo hiểm xã hội. Năm 2017, dư luận xôn xao khi Công ty Kiểm toán Deloitte nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Mai Linh do công ty này âm vốn lưu động gần 1.300 tỷ đồng, lỗ lũy kế gần 800 tỷ đồng. Mai Linh phải sáp nhập với Mai Linh Miền Bắc và Mai Linh Miền Trung, thành công ty mới Tập đoàn Mai Linh.
Cuộc cạnh tranh tất yếu sẽ có sự đào thải nếu doanh nghiệp không tự thay đổi. Về mặt tích cực, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi bởi dịch vụ tốt mà giá rẻ hơn.