Chỉ trong hơn một tháng, đội quân thu gom toả đi khắp các tỉnh miền núi Tây Bắc, lùng sục từng bản làng để thu mua lượng hồng cổ Sapa khổng lồ lên đến gần 3.000 cây, tạo nên một cơn sốt hồng cổ chưa từng có từ trước tới nay.

Mở chiến dịch gom mua hồng cổ

Chỉ tay vào vườn hoa hồng cổ Sapa đang được ươm tạm trong khu vườn rộng 1ha của công ty ở Đồng Trúc (Thạch Thất, Hà Nội), anh Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, toàn bộ vườn hồng có khoảng gần 3.000 cây, tất cả đều là hồng cổ Sapa.

Anh kể, hồi đầu năm, trong một lần nói chuyện về hoa hồng cổ Sapa hiện cực kỳ đắt đỏ do là hàng hiếm, nhiều người muốn mua mà không có, ngay lâp tức giám đốc của anh quyết định làm một thương vụ lớn, đó là cho người lên các tỉnh Tuyên Quang, Sơn La, Hà Giang, Lai Châu,... tìm và mua lại tất cả cây hồng cổ.

{keywords}

Các kỹ sư chăm sóc vườn hồng cổ Sapa 3.000 cây ở Hà Nội

"Tuy nhiên, lên đến khu vực các tỉnh Tây Bắc, để mua được hồng cổ Sapa các loại của người dân không phải dễ". Anh cho biết, những cây này được trồng từ thời Pháp thuộc, rải rác ở nhà dân chỉ 1-2 cây/nhà nên rất khó gom mua.

Thực tế, trong quá trình thu mua, nhiều người dễ, chỉ cần vào hỏi và trả giá là dân gật đầu đồng ý bán ngay. Song, có những người sở hữu những cây hồng cổ Sapa khổng lồ, được trồng ở vườn nhà đã 60-80 năm nay thì đội quân thu mua phải ra vào 5-7 lượt để hỏi mua, thậm chí trả giá cao mà họ vẫn nhất quyết không bán.

Những lúc như thế, anh em được cử đi mua gom hồng cổ phải nằm vùng ở các tỉnh, ăn mặc quần áo dân tộc, học cách nói chuyện của đồng bào dân tộc để vào "đàm phán" cho thuận tiện. Thậm chí, họ còn thuê cả người dân bản đi gom mua hộ cho nhanh.

Đội quân này đi đến đâu, hồng được mua sạch đến đó. Tất cả các cây hồng cổ Sapa ở vùng Tây Bắc dù giá đắt hay rẻ đều được hỏi mua, không sót một cây.

Ngay sau khi thương vụ mua bán hoa hồng cổ kết thúc thành công, đội quân cắt tỉa, đánh gốc sẽ có mặt thực hiện cắt tỉa thân, cành cho gọn gàng rồi đánh bầu gốc, thuê dân bản gùi cây xuống chân núi, chuyển lên ô tô chở về Hà Nội.

"Kết quả, sau một hơn một tháng, bọn tôi đã thu mua được gần 3.000 cây hồng cổ có tuổi tới từ 40-80 năm tuổi. Nhiều gốc hồng cổ khổng lồ, đường kính gốc lên đến cả 40 cm", anh Thắng khoe.

{keywords}

Sau khi mở chiến dịch gom mua khắp các tỉnh miền núi phía Bắc, chủ nhân vườn hồng đã có trong tay 3.000 cây mà không nhà vườn nào có được

Bá chủ thị trường hồng cổ

Anh Thắng chia sẻ, anh biết khá nhiều vụ mua bán cây lớn, nhưng có lẽ thương vụ mua bán hoa hồng lần này đúng là "có một không hai".

"Hiện toàn bộ 3.000 gốc hồng đang được ươm tại vườn, các kỹ sư nông nghiệp đang thực hiện công đoạn chăm sóc, cắt ghép mắt để cây phát triển ổn định và cho bông đẹp nhất", anh Thắng chia sẻ.

Theo anh Thắng, hồng cổ Sapa là loại hiếm và có giá nhất thị trường. Đơn cử, giá của những cây hồng Sapa có đường kính gốc 10-15cm thường ở mức vài chục triệu đồng, thậm chí có cây giá lên đến hàng trăm triệu đồng mà vẫn được giới chơi hoa săn lùng bằng được.

"Đó cũng chính là lý do khiến chủ nhân của vườn hồng có dự định muốn thâu tóm và làm bá chủ toàn bộ thị trường hồng cổ Sapa", anh chia sẻ.

Hiện bên anh nắm giữ khối lượng hồng cổ lớn nhất thị trường. Một số đơn vị khác thấy vậy cũng tung quân đi các tỉnh mua gom, nhưng số lượng rất ít, nhiều nhất cũng mới chỉ có một đơn vị mua được hơn 1.000 cây.

Về số tiền khổng lồ bỏ ra mua 3.000 gốc hồng cổ, anh Thắng cho hay, giá cả tuỳ thuộc vào lúc đàm phán mua bán với người dân và tuỳ thuộc vào từng cây hồng. Có gốc mua được với giá cực rẻ nhưng có gốc cũng phải trả giá cực đắt. Nếu cào bằng ra thì giá thu mua trung bình mỗi gốc ở mức 6,5-7 triệu đồng/gốc.

B.Phương - T.Linh