Phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông là một trong 4 chương trình đột phá được tỉnh Tây Ninh xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 (cùng với phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực gắn với cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin).

Để đảm bảo cho quá trình đầu tư phát triển mạng lưới giao thông vận tải đạt hiệu quả cao và khắc phục những hạn chế đang tồn tại, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án rà soát thực hiện quy hoạch và định hướng phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cầu An Phước kết nối các xã cánh tây của thị xã Trảng Bàng với trung tâm đô thị Trảng Bàng

Theo Đề án, đến đến năm 2030, Tây Ninh hoàn thành các tuyến giao thông kết nối Tây Ninh với Vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, như: cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, cao tốc Gò Dầu - Xa Mát, đường Hồ Chí Minh; chuyển cấp các tuyến đường địa phương thành quốc lộ theo quy hoạch và từng bước đầu tư nâng cấp mở rộng đạt tiêu chuẩn quy hoạch các tuyến QL.22C, QL.56B, QL.14C.

Cùng với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Long An, thành phố Hồ Chí Minh từng bước đầu tư các tuyến mới kết nối giữa hai địa phương hoặc cải tạo, nâng cấp các tuyến hiện hữu đảm bảo yêu cầu phát triển KTXH.

Bổ sung các công trình cầu vượt sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn kết nối thuận lợi giữa hai bờ.

Nối thông các tuyến, phá thế chia cắt tự nhiên bởi sông, rạch, kênh thuỷ lợi, tạo mạng lưới liên hoàn, thông suốt. Đầu tư, nâng cấp, mở rộng đạt tiêu chuẩn quy hoạch các tuyến trục dọc và trục ngang, đảm bảo kết nối thuận lợi, an toàn và đáp ứng nhu cầu phát triển. Tập trung nâng cấp mặt đường, tăng cường hệ thống an toàn giao thông, xử lý các điểm đen, cải tạo nâng cấp các cầu yếu.

Nâng cao năng lực vận tải đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh; phát triển hệ thống cảng hành khách để khai thác vận tải hành khách du lịch đường thuỷ nội địa, kết hợp du lịch sinh thái.

Xã hội hoá đầu tư phát triển cảng, bến thuỷ nội địa, các công trình phục vụ dịch vụ vận tải, như Bến xe, trạm dừng nghỉ, trạm dừng chân. Đảm bảo các huyện, thị xã, thành phố điều có bến xe. Đầu tư các trạm dừng nghỉ, trạm dừng chân tại các trục giao thông chính, phục vụ phát triển du lịch.Đến năm 2050, phấn đấu hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, đảm bảo sự kết nối và phát triển hợp lý giữa các phương thức vận tải. Chất lượng vận tải và dịch vụ được nâng cao, đảm bảo thuận tiện, an toàn, chi phí hợp lý.

Tân Châu