Ông Đặng Văn Thanh, 54 tuổi ở Phú Thọ cho biết, ông phát hiện nốt ruồi đen trên cánh mũi phải từ 10 năm trước, nốt ruồi to lên rất chậm nên ông không để ý.
Cách đây vài năm, cháu gái khuyên ông nên đi tẩy nốt ruồi vì nhìn không thẩm mỹ và “không hợp phong thủy”.
Sau tẩy, nốt ruồi biến mất nhưng 2 năm trở lại đây lại mọc lại và tiếp tục to dần lên kèm ngứa ngáy. Gần đây, nốt ruồi còn thường xuyên máu, loét, gây bất tiện trong sinh hoạt và thẩm mỹ.
Khi đến BV đa khoa Hùng Vương thăm khám, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị ung thư da nên chỉ định chọc sinh thiết nốt ruồi. Kết quả khẳng định, bệnh nhân mắc ung thư tế bào hắc tố, may mắn mới ở giai đoạn T1 nên khối u chưa “ăn” sâu.
Hình ảnh nốt ruồi trên mũi ông Thanh khi đến khám (ảnh trái) và hình ảnh nốt ruồi được cắt bỏ sau phẫu thuật |
Ngày 28/7, bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ khối u, hiện tình trạng sức khoẻ ổn định, đang theo dõi tiếp tại khoa Ung bướu của BV.
BS Hứa Văn Đức, Trưởng khoa Ung bướu, BV đa khoa Hùng Vương cho biết, với các nốt ruồi nghi ngờ là ung thư, để xác định chính xác cần phải thực hiện giải phẫu bệnh, từ đó có phương án điều trì phù hợp.
Với những nốt ruồi ở giai đoạn sớm, sau phẫu thuật không cần xạ/hoá trị nhưng cần theo dõi chặt chẽ.
BS Đức cũng khuyến cáo, nốt ruồi ở bất kỳ đâu trên cơ thể cũng không nên tự ý đến các quán cắt tóc, spa không đủ nhân lực, trang thiết bị để tẩy, thay vào đó người dân cần đến các cơ sở y tế để làm xét nghiệm và nghe tư vấn từ bác sĩ.
Ung thư từ nốt ruồi thường bắt đầu từ u kích thước nhỏ, không ngứa, không đau nên người dân ít để ý, tuy nhiên thực tế trong quá trình phát triển, loại u này có thể gây viêm nhiễm, loét, hoại tử, phá hủy tổ chức tại chỗ. Trường hợp biến chứng nặng, u này có thể “ăn” mất ngón tay, chân, miệng, mắt, mũi... tùy vào vị trí khối u.
Tuy nhiên nếu bệnh nhân được phát hiện sớm, điều trị kịp thời ngay từ khi nốt ruồi mới sang ác tính thì tỉ lệ khỏi bệnh có thể lên trên 95%.
Khác với nốt ruồi thông thường, nốt ruồi ung thư có có nhiều điểm bất thường như: Không có tính đối xứng; đường viền ngoài bị mờ, đường biên giữa da và nốt ruồi không rõ nét; mắc sắc bất thường so với nốt ruồi thông thường, thường chỗ đậm, chỗ nhạt; đường kính lớn bất thường và thường tiếp tục to thêm trong khi nốt ruồi lành tính, kích thước dưới 0,6 cm...
Ngoài ra, nốt ruồi ác tính tính cũng có độ lồi trên da rõ nét hơn. Do đó, một nốt ruồi cứ lớn dần, đổi màu, gây ngứa ngáy, khó chịu hoặc chảy máu thực sự là dấu hiệu đáng báo động, người dân cần đến BV thăm khám ngay.
Để điều trị ung thư từ nốt ruồi, các phương pháp áp dụng phổ biến là phẫu thuật (áp dụng ung thư giai đoạn sớm); nạo và đốt điện để loại bỏ phần da ung thư; phẫu thuật dao lạnh, dùng khí nito phun lên vùng da bị ung thư; ghép da để giúp lấp đầy các phần da đã bị cắt bỏ; xạ trị và hoá trị (áp dụng cho các trường hợp đã ở giai đoạn muộn).
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Thúy Hạnh
Người đàn ông Hà Nội phát hiện ung thư nhờ điểm lạ ở gót chân
- 3 tháng trở lại đây, chấm đen ở gót chân ông S. bỗng nhiên lan rộng, dù không ngứa, không đau. Bác sĩ kết luận ông mắc ung thư da.