- Một số phim khi ra rạp được quảng cáo rầm rộ về nội dung hấp dẫn của nó nhưng cũng kèm theo khuyến cáo “Không dành cho trẻ em dưới 16 tuổi”. Không biết vì nội dung hấp dẫn hay vì lời khuyến cáo trên mà teen chen chúc mua cho bằng được vé xem phim.
Rủ nhau xem phim cấm ngày Valentine
“Yêu không ràng buộc” là bộ phim được quảng cáo là món quà ý nghĩa cho ngày Valentine. Không biết sức hút của bộ phim này nằm ở nội dung hay từ khuyến cáo "Không dành cho trẻ em dưới 16 tuổi", mà trong dịp Valentine vừa qua nhiều cặp đôi tuổi teen đã chen chúc mua cho kì được vé xem phim này.
Phim “Yêu
không ràng buộc” được khuyến cáo là không dành cho trẻ em dưới 16 tuổi lại kích
thích trí tò mò hút teen đến rạp
Hoa, lớp 10 Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) khi xem quảng cáo phim này đã bắt bạn trai đi mua cho bằng được đôi vé để xem vào ngày lễ tình nhân. Cậu bạn trai của Hoa đã phải chen chúc toát mồ hôi và xếp hàng gần hai tiếng đồng hồ mới mua được vé. Nhưng cô bé không ngờ trong phim lại có nhiều đoạn “tình cảm” đến vậy. Có những cảnh nóng trong phim mà cô bé không dám xem, phải ngó đi chỗ khác.
Đúng như khuyến cáo, đây là bộ phim tâm lí tình cảm có nhiều cảnh quay nóng bỏng, chỉ phù hợp với người trưởng thành chứ không dành cho teen.
Không thể quản lí độ tuổi xem phim
Dù là phim đã có khuyến cáo “Không dành cho người dưới 16 tuổi” nhưng khi bán vé, nhân viên của rạp không thể kiểm soát được tình trạng những cô cậu học trò tuổi teen chen chúc mua vé. Đôi học sinh lớp 10 một trường THPT trên địa bàn Hà Nội sau một hồi chen chân đã mua được đôi vé hồ hởi cho biết, hoàn toàn không gặp bất kì trở ngại nào. Khi mua vé, họ không phải xuất trình chứng minh thư hay bất kì giấy tờ nào để chứng minh đủ tuổi xem phim.
Nhân viên bán vé vẫn vô tư bán vé cho những cô cậu học sinh còn mặc nguyên đồng phục của trường mà “quên” mất khuyến cáo của bộ phim này.
Có một thực tế là, phim càng cấm thì lại càng hút khách, bởi nó gợi trí tò mò, vì thế teen lại đổ xô đến rạp. Khách hàng là thượng đế, việc kiểm soát tuổi khán giả thông qua CMND vừa mất thời gian vừa dễ dàng... mất khách nên các rạp phim thường ngó lơ.
Cùng lắm người bán vé chỉ hỏi lấy lệ: “Bạn bao nhiêu tuổi?” , “Bạn có đủ tuổi không?” mà không có bất cứ yêu cầu phải xuất trình CMTND hay một thứ giấy tờ nào khác để chứng minh độ tuổi của người mua vé.
Với việc kiểm soát độ tuổi khán giả theo kiểu "xem mặt bắt hình dong" thì càng khó hiểu hơn vì làm sao chắc chắn người mua vé có gương mặt già dặn thì họ 16 tuổi trở lên. Hoặc có những trường hợp mua hộ vé.
Trên thực tế việc cấm trẻ em xem những bộ phim không phù hợp là rất đúng đắn. Nhưng trong điều kiện hiện nay, khi chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu, lượng khán giả đến xem phim tại các rạp lại rất đông, tình trạng in sang băng đĩa lậu tràn lan không kiểm soát được thì việc cấm trẻ em dưới 16 tuổi cũng chỉ là hình thức.
Với hơn chục nghìn đồng, ai cũng có thể sở hữu bất kỳ bộ phim nào mình muốn, bất chấp việc bộ phim đó có phù hợp lứa tuổi hay không.
Trên báo Mực tím, chuyên gia tâm lý tại văn phòng tư vấn Tâm lý trẻ Võ Thị Minh Huệ chia sẻ, phim đã cấm không phải là phim dở nhưng chắc chắn không phù hợp với lứa tuổi dưới quy định. Với nhìn nhận non nớt, khi xem phim các em sẽ tìm cách học tập theo và dễ "vượt rào".
Cô Huệ nói rõ, khuyến cáo luôn có lý do của nó, nếu teen muốn xem thì hãy để đến lúc mình thực sự trưởng thành và nhìn nhận đúng đắn về tình dục.
Điều
51 của Luật Điện ảnh Việt Nam có quy định rõ, những hành vi vi phạm trong phổ
biến phim, trong đó ở mục số 4 ghi rõ "Cho phép trẻ em vào rạp chiếu phim để xem
loại phim cấm trẻ em" là hành vi vi phạm pháp luật.
Việt Nguyễn