Tại Trung Quốc, có thể dễ dàng bắt gặp các nhóm phụ nữ trung niên và thậm chí là người cao tuổi tụ tập vào sáng sớm hoặc xế chiều để khiêu vũ cùng nhau trên nền nhạc phát ra từ những chiếc loa phóng thanh ở khắp các quảng trường công cộng.
Nhờ sự phát triển của Internet, giờ đây quảng trường không còn là sân khấu duy nhất của thế hệ này. Tangdou là một ứng dụng xã hội đang được ưa chuộng tại đất nước tỷ dân, đặc biệt là các cụ ông và cụ bà vì nó dạy họ cách khiêu vũ. Hiện Tangdou có 200 triệu người dùng ở Trung Quốc, nhiều hơn dân số Mexico và Vương quốc Anh cộng lại.
Tangdou có nghĩa là "kẹo hạt đậu" trong tiếng Anh và được ra mắt năm 2015 dưới dạng một ứng dụng video khiêu vũ của Xiaotang Technology có trụ sở tại Bắc Kinh. Tangdou gồm các hướng dẫn cho nhiều phong cách khác nhau từ múa dân gian Trung quốc, khiêu vũ cho đến hip-hop.
Giao diện của ứng dụng Tangdou.
Dù video hướng dẫn trên Tangdou là do giáo viên dạy nhảy chuyên nghiệp biên đạo nhưng người dùng có thể đăng video của mình lên. Bộ lọc của ứng dụng sẽ giúp làn da của họ đẹp hơn và thân hình thon thả hơn so với ngoài đời. Ngoài ra, họ cũng có thể chia sẻ hình ảnh với bạn bè kết nối trên ứng dụng thông qua trang truyền thông xã hội tên là "Square".
Một ứng dụng mini dành cho Tangdou đã có sẵn trên WeChat, ứng dụng nhắn tin phổ biến ở Trung Quốc. Từ đó, người dùng có thể mua quần áo, mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc da để cải thiện hình ảnh của mình trên Tangdou.
Ở thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư đang nắm bắt tiềm năng của nhóm nhân khẩu học khổng lồ này. Theo một tuyên bố được đưa ra ngày 22/4 vừa qua, Tangdou cho biết công ty đã thành công trong vòng gọi vốn series C với sự tham gia của gã khổng lồ Tencent và Shunwei Capital, quỹ được hậu thuẫn bởi Lei Jun, người sáng lập và giám đốc điều hành của nhà sản xuất smartphone Xiaomi Corp.
Tuy không tiết lộ quy mô của vòng gọi vốn mới nhất nhưng Tangdou cho biết họ đã huy động được gần 100 triệu USD. Zhang Yuan, người sáng lập và giám đốc điều hành của Tangdou nói rằng trong tương lai, ngoài việc tạo doanh thu hiện có từ quảng cáo và thương mại điện tử, công ty sẽ mở rộng sang lĩnh vực du lịch, trải nghiệm ngoại tuyến và nhiều hoạt động khác nhắm tới đối tượng là người trung niên và người cao tuổi.
Bên cạnh giới trẻ, các công ty công nghệ ở Trung Quốc có xu hướng hướng tới những người cao tuổi am hiểu Internet và coi họ là một phần của "thế hệ bạc" đang gia tăng nhanh chóng về số lượng.
Tính đến cuối năm 2018, Trung Quốc có 829 triệu người dùng Internet với tỷ lệ 12,5% người dùng từ 50 tuổi trở lên và 15,6% người dùng từ 40 tuổi đến 49 tuổi. Theo báo cáo, tỷ lệ này sẽ tăng lên khi 1/4 dân số dự kiến của nước này sẽ bước qua tuổi 60 vào năm 2030.
Nhà quản lý Jeffery Li Zhaohui của Tencent Investment cho biết trong tuyên bố ngày 22/4: "Tangdou đại diện cho một hình thức hoạt động xã hội mới dành riêng cho người trung niên và cao tuổi. Chúng tôi hy vọng ứng dụng có thể làm phong phú thêm đời sống văn hóa, giải trí của họ và trở thành một nền tảng hàng đầu cho nhóm người này". Người cao tuổi hiện là một trong những nhóm nhân khẩu học phát triển nhanh nhất với 63 triệu người trên 55 tuổi trong số hơn 1 tỷ người dùng WeChat.