Em không hề muốn đặt chân về nhà, người ta gọi Tết là Tết đoàn viên, còn em chỉ thấy đó là Tết đau buồn và đầy nước mắt. Nhưng em không về, mẹ sẽ ra sao? Rồi còn anh trai em nữa.
Em năm nay 26 tuổi, đang sống và làm việc ở Hà Nội. Quê em cách đây khoảng hơn trăm cây số. Những ngày này, nghe mọi người nhắc đến Tết ai cũng háo hức tươi vui thì em buồn hơn bao giờ hết.
Ở tuổi của em, có lẽ nhiều người đã lập gia đình, sinh con. Riêng em vẫn đi đi về về một mình. Em không cảm thấy cô đơn, bởi em đã quá quen với cảm giác này rồi.
Gia đình em có bốn người (bố mẹ, anh trai và em). Bố mẹ em làm ruộng nên kinh tế cũng không dư dả là bao. Biết vậy, hai anh em em cố gắng chăm chỉ học hành. Nhưng tai họa ập xuống đầu chẳng ai hay.
Năm anh trai em đang học năm thứ hai Đại học kinh tế quốc dân thì tự nhiên mắc bệnh tâm thần, phải đưa đi chữa trị ở bệnh viên tâm thần của tỉnh. Bố em thì nghiện rượu, nghiện lô đề, chỉ biết đánh đập hành hạ vợ con.
Em đã bắt đầu căm hận bố. Em thề là sẽ trả thù nỗi nhục đau đớn ấy (Ảnh minh họa) |
Khi ấy, em mới thi đỗ vào trường chuyên của tỉnh. Gia đình nghèo khó, chỉ trông chờ ở vài sào ruộng của mẹ nên em đã gạt nước mắt, tạm quên đi niềm vui và nỗi háo hức khi là đứa học sinh duy nhất ở trường đỗ vào trường chuyên. Em bảo là em sẽ theo học ở trường huyện. Nhưng mẹ em không đồng ý, mẹ nhất quyết muốn em theo học đến cùng.
Từ chỗ nhà em xuống đến trường chuyên là 30 cây số. Ngày nào em cũng đạp chiếc xe đạp cà tàng của mẹ đi học từ lúc 4h sáng, mưa gió hay bão bùng, em chưa một lần nghỉ học. Vì học cả ngày nên cứ chiều chiều em lại đạp xe về. Bữa trưa em mang theo là nắm cơm muối lạc.
Em chỉ biết cắm đầu vào học, ít trò chuyện với mọi người trong lớp, vừa vì em mặc cảm thân phận của mình. Lớp em là lớp chuyên toàn các bạn gia đình có điều kiện, ai cũng đẹp, cũng ăn mặc sành điệu. Nỗ lực của em được đền đáp khi tổng kết cuối năm lớp 10, em đạt điểm cao nhất khóa.
Nhận phong bì tiền thưởng của trường, em mang về đưa cho mẹ. Bố mẹ giật luôn, cười ha hả, bảo là đã có tiền mua rượu. Em giằng co với bố, sau cùng ông ấy đánh và trói em vào chuồng trâu. Lúc ấy, em đã bắt đầu căm hận bố. Em thề là sẽ trả thù nỗi nhục đau đớn ấy.
Giữa năm lớp 11, em được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia. Vì việc ôn thi phải mất cả ngày, nếu cứ đạp xe đi đi về về thì không tiện, nhưng em biết lấy đâu ra tiền để đi trọ, lại còn cả ăn uống nữa. Mà còn phải đóng tiền ôn luyện cũng rất tốn kém.
Có hôm khi cả lớp đã về hết, chỉ mình em ngồi lại lớp học. Em đã khóc nức nở một mình, em thương mẹ, thương anh trai, hận bố, nhưng cũng lo cho chính mình. Vô tình, thầy chủ nhiệm bước vào và đưa khăn giấy cho em.
Thầy bảo thầy đã tìm hiểu hoàn cảnh nhà em. Thầy không thể giúp gì nhiều nhưng có thể cho em ở nhà thầy, hàng ngày đưa em đi học. Mẹ em đã đồng ý và em đến ở nhà thầy.
Vợ chồng thầy cũng nghèo, căn nhà cũng đơn sơ, giản dị, nhưng luôn ấm áp. Thầy coi em như con gái và quan tâm, động viên em rất nhiều. Thầy không chỉ cho em ăn ở miễn phí mà còn dạy em tiếng Anh và tiếng Pháp nữa. Nhờ vậy, năm đó em đạt giải nhì trong kì thi học sinh giỏi quốc gia. Điều đó đồng nghĩa với việc em có cơ hội vào trường đại học em mong muốn.
Em thích ngành y, vì em muốn chữa khỏi bệnh cho anh trai, cai rượu cho bố và chữa bệnh đau xương khớp mỗi khi trở trời cho mẹ. Nhưng học y những 6 năm mà học phí đắt đỏ, nên em đã rẽ sang ngành kinh tế.
Em chỉ học và kiếm tiền, ngoài ra không quan tâm đến bất cứ người con trai nào dù có khá nhiều người tán tỉnh. Em cũng không đón nhận sự quan tâm hay quà tặng từ ai cả. Chắt chiu, gom góp để gửi cho mẹ chữa bệnh cho anh trai. Nhưng thế vẫn chưa là gì so với nỗi khổ của mẹ em ở nhà, vừa chăm con trai bị tâm thần, ngơ ngẩn suốt ngày, vừa chịu đựng người chồng nát rượu bạo lực.
Em cao 1m67, ưa nhìn, cộng thêm với học lực và vốn ngoại ngữ tốt nên đã dễ dàng xin việc vào 1 công ty nước ngoài ngay từ năm thứ 3 đại học. Tiền lương đủ trang trải học hành và lo cho mẹ, nên em muốn mẹ ly hôn với bố, đưa anh trai ra Hà Nội để trị bệnh tốt hơn.
Mẹ em đồng ý đưa anh trai ra Hà Nội ở cùng xóm trọ với em. Nhưng được 2 tuần, người ở quê báo lên là bố em say rượu đã chém người ta, mẹ em lại đưa anh trai về. Em tha thiết khẩn cầu mẹ ly hôn, nhưng mẹ bảo, mẹ chỉ muốn được chăm sóc bố.
Học xong đại học, em theo học thạc sỹ luôn. Được học bổng du học nước ngoài, em đã từ chối vì em làm sao yên tâm khi để mẹ lại một mình. Bạn bè dần dần xây dựng ra đình. Họ giới thiệu cho em nhiều người, chỉ có điều, em thật sự rất sợ đàn ông, sợ hôn nhân.
Từ nhỏ đến lớn, ngày nào em cũng ăn đòn roi của bố. Hết úp mặt vào tường, quỳ xuống, nhốt ra chuồng trâu, mang hết sách vở ra đốt rồi băm nát quần áo, túm tóc tát túi bụi. Những hành động này bố em đã lặp lại bao lần em không đếm được.
Ông ấy còn bưng cả thau nước sôi hất lên chân mẹ chỉ vì mẹ không có tiền cho ông ấy mua rượu. Tay em lằn những vết sẹo do đòn roi. Còn cả người mẹ em, vết thương cũ chưa lành thì lại hứng trận mưa roi vọt mới. Em đã ước là bố em chết đi, để mẹ con em có cuộc sống tốt.
Em chưa từng yêu ai, cũng chưa từng thích ai. Em sợ khi người ta biết hoàn cảnh của mình thì sẽ ruồng rẫy nên em không thể đem lòng yêu thương một người đàn ông nào. Em sợ hôn nhân, sợ đàn ông, sợ bất hạnh như mẹ em. Ngoài học, trau dồi ngoại ngữ và chuyên môn ra, em chỉ biết đến mẹ em - người đàn bà đáng thương nhất trên đời.
Bao mùa Tết đi qua, nhà em chưa có được cái Tết đầm ấm nào. Bố em uống say, đập phá, đốt bếp, đuổi em ra đường, vứt hết quần áo của em và mẹ đi. Em ghét Tết (Ảnh minh họa) |
Bao mùa Tết đi qua, nhà em chưa có được cái Tết đầm ấm nào. Bố em uống say, đập phá, đốt bếp, đuổi em ra đường, vứt hết quần áo của em và mẹ đi. Em ghét Tết, bởi vì đó là thời gian em ở nhà lâu nhất và phải chứng kiến cảnh bố hành hạ mẹ hàng ngày. Tại sao bao nhiêu người gặp tai nạn, chết đi hay bị bệnh ung thư nặng lại không có bố em trong số đó chứ? Đời tàn nhẫn và bất công quá.
Em không hề muốn đặt chân về nhà, người ta gọi Tết là Tết đoàn viên, còn em chỉ thấy đó là Tết đau buồn. Nhưng em không về, mẹ sẽ ra sao? Rồi còn anh trai em nữa. Mấy năm qua đi mà bệnh tình anh ấy không có chuyển biến gì, chỉ cười nói ngơ ngẩn suốt ngày. Nhiều lúc buồn, em muốn được giải thoát bằng cái chết.
Hơn một lần em tự hỏi tại sao mẹ kiên quyết không chịu ly hôn? Em chỉ muốn tốt cho mẹ thôi. Mẹ khổ bao năm nay còn chưa đủ hay sao, sao mẹ vẫn cứ muốn ôm cục nợ bên người.
Chẳng bao lâu nữa là Tết rồi, công ty em đã có lịch nghỉ Tết. Em thật lòng không muốn về, muốn đi đâu thật xa xôi. Em cảm thấy mệt mỏi và chán nản lắm rồi.
Có ai có thể nói cho em biết em nên làm gì không? Em bất lực với cuộc sống của mình quá.
(Theo Pháp luật Xã hội)