Không như nhiều người vợ khác, Tết là ác mộng, là nỗi kinh hoàng, đối với những người phụ nữ này, Tết chính là niềm vui, là hạnh phúc…

Nhắc đến Tết, chị Thương (quê Hà Nam, hiện đang làm việc tại Hà Nội) chưa khi nào tỏ ra ngao ngán, chán chường như những người bạn gái quanh mình. Thậm chí, chị còn luôn mong ngóng đến Tết để được sum vầy, đoàn tụ với bố mẹ, người thân.

“Lí do để mình không ghét Tết, không mệt với Tết chính là mình có 1 người chồng rất tâm lí, yêu thương vợ con và bố mẹ chồng cũng rất tốt, thương con quý cháu” - chị Thương cười hạnh phúc bày tỏ.

Hai vợ chồng chị Thương đều là người tỉnh lẻ lên thành phố làm việc, mỗi năm cứ vào những dịp lễ, Tết, anh chị mới đưa con cái về thăm gia đình 2 bên. Vấn đề Tết nội - Tết ngoại, ăn Tết bên nào, quà biếu 2 bên ra sao có lẽ thường là vấn đề gây đau đầu và khiến nổ ra tranh cãi đối với nhiều cặp vợ chồng. Nhưng với gia đình chị thì chưa khi nào vấp phải mâu thuẫn trong chuyện đó. “Chuyện ăn Tết ở bên nào, ngay từ khi mới cưới, chồng mình đã bảo rằng, nếu không có gì đặc biệt thì cứ mỗi năm ăn Tết ở một nhà, vì nhà nào cũng là các cụ thân sinh ra mình, là ông bà của các con, nhà nào cũng mong ngóng con về ăn Tết cả. Có năm bố mẹ mình ốm mệt đúng dịp Tết, mình không chủ động đề nghị nhưng chính chồng đã đưa ra ý kiến ăn Tết quê ngoại, tiện thăm nom, chăm sóc ông bà luôn, vậy là 2 năm liền bọn mình ăn Tết quê ngoại. Còn chuyện quà Tết thì rất đơn giản, thường là công bằng, nhưng cũng có năm nhà mình được chồng thiên vị hơn vì điều kiện kinh tế của bố mẹ mình kém hơn bố mẹ chồng” - chị Thương cười tủm tỉm chia sẻ.

Chị Thương bảo, mỗi năm, khi được nghỉ làm, chồng chị thường xuyên cùng chị đi sắm đồ, vừa là chân khuân vác giúp chị, 2 vợ chồng cũng vừa bàn bạc với nhau xem nên mua gì thì tốt. Điều đó khiến công cuộc chuẩn bị Tết của chị nhàn tênh đi rất nhiều, 1 mình chị không phải ôm đồm tất cả mọi việc vừa vất vả lại vừa tủi thân.

“Năm nào ăn Tết quê ngoại thì mình không phải nghĩ rồi, cứ thảnh thơi mua sắm rồi về quê, nhởn nha đón Tết thôi, mọi công cuộc chuẩn bị bố mẹ mình đã làm từ sớm rồi. Nhưng điều đáng nói là, ở quê nội thì cảnh tượng ấy cũng chẳng có gì khác là mấy. Khi các con thông báo về quê ăn Tết là ông bà từ ngoài 20 tháng Chạp đã tất bật, rộn ràng mua sắm, dọn dẹp nhà cửa rồi, không đợi bọn mình về làm bao giờ. Khi bọn mình về tới nhà, còn việc gì thì giúp các cụ làm nốt, còn lại thời gian đều là đi thăm anh em họ hàng, mẹ chồng thì chuyên gia kéo mình đi chợ ngắm hoa và đi lễ chùa” - chị Thương vui vẻ nói.

Mấy ngày Tết, chị Thương cũng không hề bị rơi vào cảnh tối tăm mặt mũi cơm nước, dọn rửa, tầm nhìn chỉ từ nhà xuống bếp như nhiều người phụ nữ đi làm vợ, làm dâu khác. “Mỗi khi nhà có khách, nếu là khách của bố chồng thì mẹ chồng thường để bố chồng và chồng mình ở trên nhà tiếp khách, còn bà xuống bếp cùng mình chuẩn bị đồ ăn, 2 mẹ con vừa làm, vừa nói chuyện. Còn nếu là khách của mẹ chồng mình thì 2 vợ chồng mình sẽ cùng nấu nướng dưới bếp, chưa khi nào 1 mình mình phải vật lộn với mâm cỗ cả. Đón khách xong, sau đó cả ông bà, vợ chồng con cái nhà mình sẽ cùng dẫn nhau đi chúc Tết người thân, làng xóm, ai nhìn vào cũng ngưỡng mộ và thầm khen mình may mắn vì có bố mẹ chồng như thế” - chị Thương thổ lộ. Hết Tết trở lại làm việc, mẹ chồng chị lại gói ghém cho rất nhiều đồ để vợ chồng con cái nhà chị mang lên thành phố.

“Chồng và nhà chồng tâm lí, tuyệt vời như vậy, vì thế, đối với mình, cái Tết thật nhẹ nhàng, tràn ngập niềm vui và luôn là dịp mình mong đợi” - người vợ may mắn này tâm sự.

{keywords}

“Lí do để mình không ghét Tết, không mệt với Tết chính là mình có 1 người chồng rất tâm lí, yêu thương vợ con và bố mẹ chồng cũng rất tốt, thương con quý cháu” (Ảnh minh họa).

Chị Bích (Tây Hồ, Hà Nội) hiện đang sống cùng bố mẹ chồng, chị lại là dâu trưởng, nhưng không phải vì thế mà cái Tết đối với chị chỉ toàn lo lắng, tất bật và mệt nhoài. “Tết đối với mình đúng là có mệt, nhưng cũng rất vui và đầm ấm” - chị Bích nhẹ nhàng bày tỏ. Hỏi ra mới được biết, nguyên do chính bởi, cái Tết của chị không bao giờ thiếu sự san sẻ, thấu hiểu, động viên và tham gia chuẩn bị Tết của chồng, gia đình chồng.

“Chồng và bố mẹ chồng mình luôn quan niệm, chuẩn bị Tết là trách nhiệm của chung của cả nhà, không phải của riêng vợ, con dâu. Vì thế, cận Tết, mẹ chồng và mình thường cùng nhau đi sắm sửa, còn bố chồng và chồng sẽ đảm trách khâu dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa. Những ngày đó, ở nhà mình cứ như là có hội vậy, nhộn nhịp, rộn ràng lắm, ai cũng tất bật nhưng vẫn vui vẻ, trêu đùa nhau. Chồng và bố mẹ chồng như vậy khiến mình xúc động vô cùng, không hề bị tủi thân, cũng không phải quá mệt mỏi về thể xác” - chị Bích kể về công cuộc chuẩn bị đón Tết ở gia đình chồng.

Vấn đề biếu Tết của vợ chồng chị thì cứ ông bà nội ngoại cần gì, thiếu gì, nếu không quá sức, 2 vợ chồng chị sẽ biếu, chứ không tính toán rạch ròi phải biếu bao nhiêu hay biếu sao cho công bằng. Có năm, bố mẹ chồng chị chỉ được két bia và ít bánh kẹo, trong khi đằng ngoại nhà chị Bích được biếu hẳn chiếc tủ lạnh mới cứng, thế nhưng chẳng ai phàn nàn hay bất mãn gì cả. “Chuyện lì xì đằng nhà mình, chồng mình cũng rất hào phóng, không hề chi li, cả họ nhà mình ai cũng tấm tắc khen ngợi” - chị Bích cho biết.

Chị Bích trần tình, ngày trước, khi chuẩn bị về làm dâu nhà anh, cứ nghĩ tới viễn cảnh làm dâu trưởng của mình, chị lại rùng mình không thôi. Nhưng bây giờ, chị có thể tự tin khẳng định, mọi thứ cũng chẳng có gì nặng nề cả. Mẹ chồng chị không bao giờ quy hết trách nhiệm cho con dâu, chồng chị cũng không đổ hết nghĩa vụ cho chị. Tết nhất, nhà nhiều khách khứa, chị là vợ, là con dâu, tất nhiên không tránh khỏi trách nhiệm, ấy thế nhưng mẹ chồng, chồng chị và thậm chí cả bố chồng luôn bên cạnh giúp đỡ, chia sẻ với chị. “Mấy ngày Tết, mình vẫn có thời gian để đi thăm hỏi anh em, họ hàng với chồng chứ không phải cắm mặt vào cái bếp với đủ thứ mùi thức ăn, dầu mỡ. Có lần, khách khứa vừa về, mẹ chồng liền lệnh cho bố chồng xuống rửa bát để vợ chồng mình đi chơi, cũng có bận, khách về thì cũng đã tối muộn, mẹ chồng lại xua bọn mình đi nghỉ, để sáng mai dọn dẹp sau” - chị Bích không giấu nổi niềm vui bày tỏ.

Chị Bích còn kể thêm, ra ngoài mùng 5, mùng 6, khi khách khứa đã vãn, mẹ chồng chị và chị sẽ tung tăng đi lễ chùa đầu năm, còn chồng và bố chồng chị phải nhận nhiệm vụ ở nhà trông nhà, và đón khách nếu có. “Chính những điều đó khiến cho cuộc sống làm dâu của mình, thậm chí là trong những khi giỗ chạp, Tết nhất cũng vẫn rất nhẹ nhàng, thoải mái và tràn ngập niềm vui” - người phụ nữ hạnh phúc này cho hay.

(Theo Trí Thức Trẻ)