Điều dưỡng Hương nhẹ nhàng đặt em bé xuống nôi, thủ thỉ: “Con nằm nhé, đến lượt bạn khác ăn nhé”. Bé trai ngừng khóc, tươi tỉnh trở lại sau khi ăn no. Nữ điều dưỡng tiếp tục pha sữa, lần lượt cho 2 em bé bên cạnh ăn. Chiếc nôi ngoài cùng cũng có tiếng ọ ọe, thêm một bé thức dậy…
Chưa được bao lâu, lại có tiếng khóc từ nôi của bé trai đã ăn no sữa đầu tiên. “Anh cả sao lại khóc rồi”, chị Hương mỉm cười, nói. Cậu bé này được các điều dưỡng gọi là “anh cả” vì có thời gian nằm ở bụng mẹ lâu nhất. Dù mới chào đời 3 ngày, nhưng con đã rất cứng cáp, nặng cân.
Ngay khi được điều dưỡng bế ẵm trên tay, cậu bé nín khóc. “Bé thích bế, không chịu đặt nằm đâu. Cứ quấy quấy, được bế lên là nằm ngoan”, chị Hương nói. Thế là một tay bế “anh cả”, tay còn lại, nữ điều dưỡng tiếp tục cho bé khác ăn. Nhịp độ công việc cứ thế liên tục. Đồng hồ chỉ gần 1h chiều, chị Hương vẫn chưa thể ngơi tay để đi ăn trưa….
Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, có một khu vực đặc biệt dành riêng cho những em bé sơ sinh có mẹ mắc Covid-19. Nơi này tách rời với những khu còn lại, có kíp riêng theo dõi, chăm sóc sức khỏe trẻ.
Điều dưỡng Hương một tay bế cậu bé “anh cả”, tay còn lại tiếp tục cho em bé khác ăn |
ThS.BS Nguyễn Mạnh Trường, Phụ trách Khoa cho biết, các cháu đều là con của sản phụ Covid-19 diễn tiến nặng, suy hô hấp, phải thở oxy hoặc thở máy. Thông thường, bác sĩ cố gắng hồi sức cho bà bầu để nâng tuổi thai, hy vọng cứu được cả mẹ và con. Tuy nhiên, khi mẹ đã chuyển nguy kịch, bắt buộc phải mổ cấp cứu lấy thai.
Trẻ sau khi chào đời được đưa về Khoa Nhi chăm sóc, một số trường hợp quá nặng sẽ chuyển sang bệnh viện Nhi Trung ương. Bác sĩ sẽ theo dõi, đánh giá tình trạng sức khỏe và xét nghiệm SARS-CoV-2 cho bé ít nhất 2 lần (ngay sau khi sinh và sau sinh 3 ngày).
Với trẻ đủ tháng, nếu kết quả âm tính SARS-CoV-2 và tình trạng ổn định thì được xuất viện, để người thân đón về. Riêng trường hợp đẻ non tháng hoặc diễn tiến nặng, thời gian theo dõi, điều trị có thể từ 10-15 ngày hoặc lâu hơn. Cũng có một số trường hợp, do người thân đều đi cách ly, bé phải gửi gắm tại viện thêm ít ngày.
Điều dưỡng Đỗ Thị Hương cùng 2 điều dưỡng khác được phân công thường trực tại khu chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ mắc Covid-19. Họ chia nhau nhiệm vụ trực đêm (tới sáng hôm sau sẽ được nghỉ ngơi để lấy lại sức); trực ban ngày và đón trẻ từ buồng sinh, chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương nếu diễn tiến nặng.
Nữ điều dưỡng tâm sự, chăm con ở nhà thế nào thì chăm các cháu như vậy, thậm chí để ý kỹ hơn rất nhiều. “Sáng ra, chúng tôi rửa mặt mũi, chân tay, cho bé ăn uống, thay bỉm; đến tầm 9h ấm lên sẽ tắm cho các cháu, thay quần áo, giặt quần áo, rồi lại cho ăn, thay bỉm. Đêm nào cũng phải có người trực để chăm các cháu. Ngày và đêm không có sự khác nhau vì mỗi bạn thức một giờ, muốn ăn một giờ,…”, chị Hương chia sẻ.
Một ca mổ cấp cứu lấy thai cho sản phụ Covid-19 diễn tiến nguy kịch, phải can thiệp thở máy |
Sau sinh, các sản phụ tiếp tục được chuyển tới Khoa Cấp cứu hoặc Hồi sức tích cực của bệnh viện để hồi sức |
ThS.BS Nguyễn Mạnh Trường, Phụ trách Khoa Nhi theo dõi các chỉ số cho 1 em bé sinh non, phải thở lồng ấp |
Theo chị Hương, giai đoạn này, các trường hợp bà bầu mắc Covid-19 đẻ non tăng lên rất nhiều. Em bé chào đời thiếu cân, nguy cơ nhiễm trùng, bội nhiễm cao, hô hấp chưa ổn định, phải chiếu đèn điều trị vàng da và thở lồng ấp nên đòi hỏi theo dõi sát sao. Bên cạnh đó, trẻ ăn kém, dễ hạ đường huyết, cần chia nhỏ bữa, ăn dầy bữa. Công việc của nhân viên y tế vì thế vất vả hơn.
Hiện tại, Khoa có tổng số 6 bé sơ sinh là con của sản phụ Covid-19 đang được theo dõi, điều trị. Trong đó, có 1 bé phải thở lồng ấp, 1 bé thường xuyên phải chiếu đèn trị vàng da.
Tất cả các bé đều chưa kịp được gia đình đặt tên đã “phải” ra đời. Bởi vậy, ngoài “anh cả” dễ nhận biết do cứng cáp nhất, các điều dưỡng phân biệt các con theo tên của mẹ: Thảo, Lan Anh, Sim, Hoa,.... Cuối mỗi chiếc nôi có 1 mảnh giấy nhỏ ghi tên mẹ, ngày sinh và giờ sinh của bé.
Điều dưỡng Hương chia sẻ, do có mẹ bị Covid-19, trẻ phải tách mẹ ngay khi chào đời để thực hiện biện pháp phòng dịch. Mẹ của các con đa số diễn tiến nặng, vẫn hôn mê, phải thở máy. Những đứa trẻ vì vậy rất thiệt thòi.
“Anh cả” là đứa bé làm nũng nhất phòng, luôn muốn được bế ẵm, đặt xuống nôi một chút lại khóc vòi bế. Có em bé khác thì thích ngậm bình sữa như ngậm bầu sữa mẹ. Phải giữ bình sữa cho con ngậm tới khi ngủ say, nếu chưa ngủ được mà bỏ ra thì chỉ nằm một lúc, bé sẽ lại khóc”, điều dưỡng Hương kể.
Chị và đồng nghiệp luôn cố gắng bù đắp phần nào sự thiếu thốn tình cảm cho các con. “Chăm các bé lâu ngày, chúng tôi coi như con mình vậy. Ở nhà thấy con khóc sốt ruột như thế nào thì ở đây cũng sốt ruột như vậy khi thấy các bé khóc”, chị Hương tâm sự.
Có em bé sinh non tháng chỉ nặng 1,8kg, tay chân rất nhỏ, mỗi lần lấy ven đều rất khó khăn. Có trường hợp thở oxy mask, ăn uống kém, ăn ko tiêu, oxy cứ tụt dần. Các điều dưỡng túc trực 24/24, gần như không thể rời mắt khỏi trẻ. “Mỗi khi các bạn ấy đỡ được chút nào, chúng tôi lại nhẹ người đi chút ấy”, điều dưỡng Hương nói.
Cậu bé "anh cả" rất thích được các cô điều dưỡng bế ẵm
Năm nay, chỉ có bé “anh cả” được về đón Tết với gia đình do đã đủ tiêu chuẩn xuất viện. Đa số trẻ còn lại sẽ đón cái Tết đầu tiên tại bệnh viện, trong căn phòng ấm 29 -30 độ C, hắt ánh tím của đèn chiếu điều trị vàng da này.
Còn với các bác sĩ, điều dưỡng, Tết của họ cũng chính là các em bé.
Những ngày cận kề năm mới, khu vực sảnh buồng bệnh vẫn chưa có đào mai. Điều dưỡng Nguyễn Thị Chuyền vừa trở về sau 2 ca đón trẻ từ buồng sinh, sau đó chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương tâm sự, làm việc với nhịp độ liên tục, chị đôi lúc quên cả khái niệm không gian, thời gian, chưa thể cảm nhận là Tết đang về.
“Năm nay, bệnh viện chuẩn bị cho chúng tôi cả bánh chưng, gà, giò,… đầy đủ để anh em ăn Tết tại viện. Nhưng Tết cũng không có sự khác biệt với ngày thường, guồng quay công việc vẫn như vậy. Nhất là với các bạn bé như thế này, ngày và đêm không khác nhau, có bạn 2 tiếng mới đòi ăn, có bạn chỉ nửa tiếng”, chị Chuyền chia sẻ.
Mọi năm, chị Chuyền thường xuyên trực Tết tại viện để phụ những đồng nghiệp ở quê xa, nhưng cũng chỉ ở lại một vài ngày rồi được về. Đợt này, thời gian có lẽ sẽ kéo dài tới 2 tháng. Hai con của chị, một bạn 8 tuổi, một bạn 11 tuổi khóc rất nhiều hồi đầu mẹ xa nhà, đến nay đã quen dần và hiểu chuyện hơn. Các cháu sẽ đón Tết cùng bố và ông bà nội.
Giống như điều dưỡng Chuyền, chị Hương cũng phải gửi con gái 2 tuổi và 7 tuổi, nhờ cậy ông bà chăm sóc. Các cháu rất thích được gọi video với mẹ để hát cho mẹ nghe, muốn mẹ xem con học. Nhưng công việc bận rộn, điều dưỡng Hương có rất ít thời gian dành cho con, thậm chí đôi lúc “quên cả việc nhớ con”. “Đa số là con gọi trước hoặc thấy thông báo gọi nhỡ, tôi sẽ tranh thủ lúc nào có thể để gọi lại cho các cháu”, chị Hương nói.
Tết năm nay, cả 10 điều dưỡng của Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh đều ở lại viện. Ngoài 3 điều dưỡng trong khu chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ mắc Covid-19, 7 điều dưỡng còn lại trực tại khu điều trị bệnh nhi Covid-19.
Chị Vân, điều dưỡng trưởng Khoa Nhi chia sẻ, mỗi nhân viên y tế ở lại đều có một câu chuyện riêng. Có người con còn chưa bỏ bú đã phải cho con cai sữa để đi làm. Có người con ốm, cha mẹ nằm viện nhưng không thể ở bên chăm sóc.
Động lực lớn nhất với họ, ngoài trách nhiệm công việc, còn có tình yêu thương đặc biệt với các em bé.
“Tôi coi các cháu như con cái vì bé sinh ra không được ở gần mẹ, lại sinh non, cơ thể yếu ớt, mẹ thì đang diễn tiến nặng. Tất cả chúng tôi đều cố gắng vì các cháu”, điều dưỡng Nguyễn Thị Chuyền nói.
Động lực lớn nhất với các y bác sĩ, ngoài trách nhiệm công việc, còn có tình yêu thương đặc biệt với các em bé |
Bài: Nguyễn Liên - Ảnh: Minh Tú
Bữa cơm tất niên đặc biệt ở Bệnh viện Từ Dũ
Bữa cơm tất niên bất ngờ tại Khoa Ung bướu phụ khoa (Bệnh viện Từ Dũ) khiến cho 75 người phụ nữ không nén được xúc động.