- Để tránh những trận đòn tới tấp, không thương tiếc của bố, để bố không tìm thấy, chúng tôi “phát hiện” ra nơi ẩn nấu an toàn nhất chính là cái trần nhà bằng đất, chấp nhận ở cùng lũ chuột, gián. Chị em tôi hết trốn dưới bếp, trèo lên cây bưởi ở vườn, sang nhà mấy đứa bạn ở xóm đều bị bố tìm thấy, nện cho nhừ đòn (Ảnh minh họa, Nguồn: Internet)
Bài 1: Cú tát đúng giao thừa
Trong hơn 2.500 ngày sống cùng bố và con “ma men” ghê sợ, mẹ con tôi chẳng còn nhớ đã bị bố đánh đập, hành hạ bao nhiêu lần.
Cách đây không lâu, tôi có đọc bài báo nói về việc đứa con vì không chịu được bố rượu say về hành hạ, đánh đập mẹ con bao nhiêu năm trời đã giết cha để “mẹ con bớt khổ”.
Bất chợt, tôi rùng mình rằng chính bản thân mình cũng nhiều lần muốn hành động như đứa con kia. Chỉ khác và may mắn thay là tôi đã không thể làm điều đó.
Bản án với đứa con kia đã được đưa ra. Hơn ai hết, những đứa con chung cảnh ngộ như tôi hiểu và thông cảm cho hành động “bùng nổ”, không thể kìm nén kia.
Đã bao nhiêu lần, bữa cơm của mẹ con tôi luôn chan cùng những giọt nước mắt. Mùng 1 Tết năm đó, bố đi uống rượu ở đâu về say khướt, thấy mẹ con tôi lặng lẽ ăn cơm ở xó bếp, cửa khép hờ, ông lừ ừ bước vào, mở toang cửa đánh rầm: “Đồ mất dạy, không thấy bố chúng mày đây à mà ăn cơm như thế. Một lũ ăn không ngồi rồi”.
Rồi ông lao thẳng vào, hất tung mâm cơm lên. Nồi cơm còn nóng hôi hổi lăn vào tận chỗ con chó đang nằm thu lu cạnh bếp lửa. Bát canh cải và nước mắm văng tung tóe vào người ba mẹ con tôi.
Tức quá, mẹ nói lại mấy câu, liền bị ông cầm đôi đũa nhựa ném thẳng vào mặt, may sao không vào mắt. Bà choáng váng, ngồi xuống ghế, ông lại lao tới giáng cho mấy cái bạt tay vào đầu làm tóc bà rối tung. Chị em tôi thấy lao vào ôm, đỡ đòn cho mẹ. Ông đánh thêm vài cái nữa rồi mới đi lên nhà, chửi rủa ầm ĩ, xong nằm lăn ra ngủ, gáy khò khò.
Để tránh những trận đòn tới tấp, không thương tiếc,để bố không tìm thấy, chúng tôi “phát hiện” ra nơi ẩn nấu an toàn nhất chính là cái trần nhà bằng đất, chấp nhận ở cùng lũ chuột, gián.
Nhà tôi cấp 4, ba gian, phía ngoài là hiên trước, bên trên là trần nhà bằng đất. Trần nhà rất thấp, nằm sát mái ngói nên bẩn và tối thui. Ngày trước bị bố đánh, chị em tôi hết trốn dưới bếp, trèo lên cây bưởi ở vườn, sang nhà mấy đứa bạn ở xóm đều bị bố tìm thấy, nện cho nhừ đòn.
Bây giờ, tìm được chỗ nấp mới an toàn dù cho hơi bẩn lại thấp, chẳng thế đứng mà toàn phải bò nhưng thế cũng là “thành công ngoài mong đợi” của mẹ con tôi rồi. Chỉ có điều hơi ngại lũ chuột. Chúng rầm rập chạy trên mái rồi lao xuống trần nhà, chạy trên các thanh kèo, cột, kêu chí chóe suốt ngày đêm. Chị tôi sợ nên lần nào không có tôi thì không dám.
Tết có nhiều mứt, bánh kẹo nên chị em tôi tha lên đó vài gói, cộng với bánh chưng và nước để dự trữ cho vài ngày. Để tránh lũ chuột, chị em tôi phải để tất cả trong một cái xô nhựa có nắp đậy.
Ở trên này hơi bẩn một chút nhưng kể ra cũng khá thú vị. Trên cao nhìn xuống dưới nhà thấy cái gì cũng lạ lẫm, kể cái hình ảnh bố rượu say nằm thườn thượt trên trường kỉ, cái chân bẩn mốc meo với bộ quần áo lâu rồi không giặt giũ.
Rồi những khi nghe bố chửi, bố nói chuyện trên trời dưới bể rôì mình nghe, bố hiểu đôi lúc khiến tôi buồn cười quá mà chỉ dám mím mồm, sợ bố phát hiện ra.
Bây giờ xem báo đài, thấy nhiều bạn trẻ quay clip, ghi âm này nọ, những khi ngồi cạnh, bố con tâm sự tôi vẫn đùa: “Giá ngày ấy mà có điện thoại, máy ghi âm con quay lại cảnh bố say chắc bố chẳng nhận ra đâu nhỉ?”
Những khi ấy, bố chỉ cười: “Ừ, có khi thế thật”. Riêng cái chuyện chị em tôi trốn lên trần nhà này, tôi vẫn giữ từ đó tới nay, chưa kể cho bất cứ ai.
- Hoàng Nam (Vĩnh Phúc)
********************
Bài 3: Lá đơn ly hôn ngày mùng 2 Tết