Hà Nội những ngày sắp Tết, phố phuờng tấp nập đông vui, ai nấy đều chuẩn bị về quê sum họp cùng gia đình, nhưng trong những góc phố nhỏ vẫn còn những mảnh đời éo le.

Cụ bà 80 không chồng, không con

Cụ tên là Ái Liên, 80 tuổi, tóc đã bạc trắng, cụ mặc một chiếc áo khoác màu đen dài đến đầu gối, ngồi lặng trên một góc đường gần phố hàng Mã, hai bên là hai chiếc làn với những bộ quần áo cũ được gấp gọn gàng. Những người quanh đây đã quá quen với hình ảnh cụ hàng ngày ngồi trên vỉa hè, đã mấy chục năm nay, ai cho gì thì lấy chứ cụ không đi xin ăn bao giờ. “Ấy thế mà cũng đã mấy chục năm qua, ngoài Hà Nội tôi chẳng biết đi đâu, cứ quanh quẩn ở đây thôi, người ta nhìn thấy thương thì người ta cho”- cụ chia sẻ.


Tài sản của cụ Liên

Cụ Liên không nhớ quê quán, giờ có tuổi không nhớ nổi gương mặt bố mẹ, đôi mắt cụ trĩu xuống kèm theo tiếng thở dài: “chắc giờ ông bà cũng không còn nữa, tôi đã 80 rồi cơ mà”. Lang thang từ trong chiến tranh, cụ chỉ nhớ nhà mình rất nghèo, con nhà nông, trong kí ức ấy, cụ vẫn còn hình ảnh hàng ngày phải đi bộ hơn 10km để đến trường, “hồi ấy khổ lắm, làm gì có nhiều đồ ăn như bây giờ, chỉ có cơm với dưa muối thôi” – cụ nói.

“Tôi lang thang trên này từ khi vẫn còn ít tuổi, chiến tranh mà, nhiều người chết, tôi thì chỉ có một mình, cũng không nhớ tại sao không còn bố mẹ, chỉ biết đã sống ở đây rất lâu rồi” – cụ chia sẻ. Tối đến, cụ lại lấy những chiếc quần áo được người ta cho, tự tạo “tổ ấm” cho mình trên vỉa hè. Cụ nói cụ sợ bóng tối, nên phải đèn điện sáng cụ mới ngủ được. “Người già rồi, cũng ít ngủ lắm cô ạ, nằm nghỉ cho đỡ mệt thôi. “Nhiều hôm đang nằm, lại có mấy cô cậu đi xe máy qua gọi dậy, khi thì cho nắm xôi, khi thì cho tiền, trên đời còn nhiều người tốt lắm” – cụ tâm sự.


Một mình cô đơn giữa phố phường tấp nập

Khi được hỏi về con cái, cụ xua tay nói: “Tôi xấu thế này thì làm gì có chồng, con cái cũng không, tôi chẳng có ai cả, chỉ có một mình thôi”. Nhưng những người xung quanh cụ lại nói rằng cụ Liên không muốn nhắc lại chuyện gia đình, quê cụ ở Phú Thọ, có chồng, có con, nhưng cụ không nhìn nhận gia đình. Không hiểu lí do vì sao cụ bỏ nhà ra đi, chỉ những người quen cụ từ lâu mới biết được điều này, còn ai đi dường hỏi nhà ở đâu thì cụ cũng nói không chồng, không con.

Lại sắp đến Tết, cụ cũng không nhớ nổi đây là cái Tết thứ bao nhiêu cụ sống ở đây, chỉ biết là năm nào qua giao thừa, người ta cũng mang cho cụ đồ ăn. Thời gian cứ thế qua đi, đến nay đã 80 tuổi mà vẫn không ai hay về quá khứ thật khiến cho cụ bà phải lang thang.

Bà nội nhặt rác kiếm tiền mua sữa cho cháu

Bà Chiến, dáng người nhỏ bé, đôi tay rạn nứt đi vì cái rét, trên gương mặt đã đầy nếp nhăn qua những năm tháng bươn trải thủ đô với nghề đồng nát. Quê gốc Thanh Hóa, đến nay cũng đã ngấp nghé 70 tuổi, ở cái tuổi phải được con cái chăm sóc, bà vẫn ngày ngày lang thang khắp các bến xe để kiếm đồng ra, đồng vào mua sữa nuôi hai đứa cháu nhỏ.

Bà Chiến có hai người con, một trai, một gái, cô con gái thì đã đi lấy chồng, anh con trai lập gia đình từ năm 2007. Khi biết sắp có con dâu, bà mừng lắm, một phần nghĩ con trai yên bề gia thất, một phần bà cũng đã đến tuổi cần được nghỉ ngơi, có con dâu vun vén gia đình thì bà không phải lo lắng nhiều nữa. Trớ trêu là cô con dâu vốn đuợc bố mẹ nuông chiều nên ít phải làm việc nhà, đâm ra khi về làm dâu nhà bà Chiến, mọi việc từ nhỏ đến lớn đều là chồng làm.

Lang thang khắp phố phuờng nhặt nhạnh chai lọ

Chị Hằng – con dâu bà Chiến hạ sinh bé đầu lòng một năm sau ngày cuới, nhưng vốn sức khỏe đã yếu, sinh con mất sức, gần như sau đó chị không còn đủ sức để nuôi đứa bé. “Không gì khổ bằng khát sữa mẹ, nó cứ khóc suốt, thương lắm” – bà tâm sự. Mẹ thì không có sữa, nhà thì không có nhiều tiền để cho cháu uống sữa ngoài. Nghĩ thương con, thương cháu, bà Chiến rời quê ra Hà Nội cùng vài người hàng xóm để tìm việc làm thêm, với mong muốn kiếm chút tiền, gửi về nhà mua sữa nuôi cháu nội.

Hàng ngày bà Chiến lang thang ở các bến xe, nhặt vỏ chai, túi nilon mà khách vứt ra, mỗi tháng dành ra được 500 nghìn gửi về nhà. 500 nghìn không phải là số tiền lớn đối với một gia đình khá giả, nhưng đó là sự cố gắng, được trả bằng sự nhọc nhằn, vất vả và bằng cả tình yêu thương của người bà dành cho hai đứa cháu bé nhỏ. “Lâu lâu mới về thăm cháu một lần, từ đây về Thanh Hóa cũng không phải gần, mỗi lần đi đi về về tốn kém lắm, về nhà nhìn thấy cháu khỏe mạnh là bà già này lên Hà Nội làm việc tiếp” – bà Chiến cười nói.

Nguyễn Nhung