Thời buổi công nghệ, không về quê cũng có thể biết rõ tình hình ở quê như thế nào. Gọi điện thoại cho mẹ: “Tết chuẩn bị đến đâu rồi mẹ? Mẹ đã sắm sửa gì nhiều chưa?”. Đầu dây bên kia, mẹ buông nhẹ tiếng cười: “Bây giờ chứ có phải ngày xưa đâu. Vài buổi đi chợ là xong, mua sắm sớm làm gì cho mệt người”.

Con định vòi vĩnh mẹ làm thêm vài loại mứt, dăm ba thẩu dưa món, nhưng nghĩ lại thấy mẹ đã già, bày biện làm gì trong khi ở chợ có đầy đủ cả.

Ngày ấy… Đang mùa đông rét buốt, ba đã lo trồng hoa. Rất nhiều loại giống được dự trữ từ trước, đến lúc thích hợp, ba xới đất, gieo hạt. Mỗi loại hoa được ba trồng riêng một khóm. Cứ đúng dịp tết là lay-ơn, đồng tiền, thược dược, vạn thọ, cúc… thi nhau khoe sắc. Ai đến chơi cũng tấm tắc vườn hoa nhà mình. Bây giờ, vì bận việc, Tết của nhà mình chỉ có mấy cây bonsai làm cảnh. Chiều ba mươi, ba rủ con ra chợ rinh về hai chậu hoa cúc to tướng: “Chừng đó hoa tha hồ đón tài lộc rồi”, ba khoe với cả nhà.

Ngày ấy… Mẹ chộn rộn chuẩn bị thức này thứ nọ từ đầu tháng Chạp. Mẹ sai tụi con ra vườn hái đu đủ, mua thêm vài củ cà rốt, củ kiệu về phơi khô để làm dưa món. Đặc biệt, những ngày giáp Tết, bếp nhà mình luôn đỏ lửa. Mẹ khéo tay chế biến đủ loại mứt. Nào mứt gừng, mứt khoai lang, cà rốt, bí đao… Đôi đũa dài “chuyên dụng” để làm mứt, mẹ dùng được vài hôm thì xám đen lại vì “ngửi” mùi khói bếp.

{keywords} 

Trong xóm, nhà mình được mệnh danh là “đệ nhất” về mứt, nhà bác Gái thì sở trường về bánh lọc, còn nhà bác Hiền làm bánh thuẫn. Con hiểu, mẹ cặm cụi suốt mấy ngày để làm mứt đâu phải chỉ để gia đình mình ăn mà còn để đãi làng xóm. Bây giờ, mọi thứ đều đơn giản. Mẹ chuyển sang buôn bán nên chẳng còn hơi sức mà nhờ ba vót cho đôi đũa dài “chuyên dụng”. Tết, nhà mình cũng dăm bảy loại mứt xanh đỏ tím vàng nhưng loại nào cũng mua từ chợ.

Ngày ấy… Đồ ăn ngon phải Tết mới có. Thịt lợn, giò thủ, chả lụa... ngày thường cả nhà không dám mơ tới, nhưng đến Tết lại treo lủng lẳng, nhìn phát thèm. Mới đến mồng Bốn Tết mà mọi thứ hết veo. Bây giờ, Tết cứ thấy thịt là lắc đầu. Có hôm, cả nhà bỏ qua các món chế biến từ thịt mà chỉ thích canh rau. Mẹ phì cười: “Thời buổi bây giờ lạ thật!”.

Đúng là Tết ngày nay có lạ, có khác như một lẽ tất yếu của thời cuộc. Nhưng ngẫm lại, dù “ngày ấy” hay “bây giờ” thì Tết vẫn ấm cúng nhờ sự sum vầy. Ba hướng dẫn con trai quét dọn bàn thờ, đánh bóng lại cái lư đồng, bày mâm ngũ quả… Mẹ hướng dẫn con gái nấu món này món nọ, cách bài trí đĩa thức ăn, cách tỉa rau củ thành hoa hồng, hoa cúc… Xong đâu đấy, ai nấy đều tập trung xuống nhà bếp để gói bánh chưng, bánh tét.

Người chẻ lạt, người lau lá chuối, người gói bánh, người buộc dây, người đi bắc bếp. Khi nồi bánh được nổi lửa cũng là lúc cả nhà ngồi ôn lại đủ thứ chuyện mang tên “ngày xưa”. Có thể câu chuyện ấy đã được kể từ Tết trước nhưng không hiểu sao nghe đi nghe lại bao nhiêu lần vẫn không thấy chán.

“Tết” - nhắc đến thôi đã thấy lòng rạo rực muốn về quê để hưởng không khí đoàn viên. Vẫn biết Tết ngày nay giản lược đi nhiều, thậm chí đôi khi lòng người cũng hờ hững nhưng giá trị Tết vẫn vẹn nguyên.

(Theo PNO)